3 người trong gia đình nhận kết quả dương tính Covid-19
Vừa trở về sau 12 ngày điều trị Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 8, chị Phan Trần Bạch Tuyết (SN 1981, ở phường 14, quận 3, TP.HCM) đang thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày.
Chị nói thời điểm vừa qua là những ngày khó quên trong cuộc đời. “Không ngờ có ngày, 3 trong 4 người gia đình tôi trở thành F0”, chị chia sẻ.
Trước thời điểm phát hiện mắc Covid-19, đêm 14/7, chị bỗng đau lưng dữ dội.“Tôi đau đến mức không đi lại được, không ngủ được, thức trắng đêm, người sốt nhẹ. Trước đó, thỉnh thoảng tôi cũng đau lưng nhưng không đến mức như vậy nên không nghĩ mình nhiễm Covid-19”.
Bệnh viện dã chiến, nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM |
Sáng 15/7, chồng chị Tuyết đi làm. Anh thấy người nóng, sốt và muốn về nhà. Nhưng lúc này, con hẻm nơi nhà họ sinh sống bị phong tỏa do phát hiện nhiều ca F0.
“Người ta yêu cầu anh ấy phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được vào nhà. Chồng tôi đi xét nghiệm và không ngờ lại dương tính SARS-CoV-2. Vậy là anh ấy bị đưa vào Bệnh viện dã chiến thu dung số 11”, chị Tuyết nhớ lại.
Sau khi chồng chị có kết quả, nhân viên y tế phường 14 đã yêu cầu gia đình chị Tuyết (mẹ và 2 con gái, 17 và 10 tuổi) ra test nhanh.
Kết quả test nhanh, chị Tuyết dương tính nhưng may mắn 2 con đều âm tính. Nhân viên y tế dặn chị về nhà và chờ kết quả xét nghiệm PCR. Trong tâm trạng vô cùng hoang mang, lo lắng, người phụ nữ này chuẩn bị đồ để vào viện và chuẩn bị đồ ăn cho các con ở nhà.
Phan Trần Bạch Tuyết nhận kết quả dương tính với Covid-19 ngày 15/7. |
Ngày 18/7, chị Tuyết bắt đầu mất vị giác, khứu giác, không thể nêm nếm gia vị nấu ăn. Cũng trong ngày này, nhân viên y tế thông báo chị có kết quả xét nghiệm PCR dương tính và yêu cầu chị chuẩn bị vào viện.
2h chiều, xe cấp cứu hú còi dồn dập tới trước đầu hẻm, chị Tuyết xách ba lô, hành lý lên xe. Nhập viện với chị là 5 người ở cùng xóm.
“Chia tay 2 con gái, lên xe cấp cứu, tim tôi đập thình thịch, bao nhiêu sợ hãi, bao nhiêu nỗi lo hiện ra trong đầu”, chị nhớ lại. Chị Tuyết tới Bệnh viện dã chiến thu dung số 8 vào lúc 7h40. Sau nhiều thủ tục, họ lên tới phòng nhận chỗ ở là 10h tối.
“Nhìn thấy phòng điều trị, mọi lo lắng của tôi tan biến”, chị nói.
“Khu cách ly điều trị F0 đẹp, sạch sẽ. Lực lượng tình nguyện viên và bác sĩ rất dễ thương. Căn chúng tôi ở có 3 phòng, 8 người. Có 2 nhà vệ sinh trong phòng, mọi thứ đầy đủ.
Sau khi nhận phòng, chúng tôi thấy bác sĩ bấm chuông. Họ đem đồ ăn khuya lên cho các bệnh nhân vì sợ chúng tôi chờ lâu, đói. Lòng nhẹ nhàng thêm”, chị cho biết thêm.
Người mẹ ổn định tinh thần trong khu điều trị chưa được bao lâu thì 3 ngày sau khi chị nhập viện, con gái lớn của chị gọi điện thông báo em út bị sốt và ho. Trước khi rời nhà, chị Tuyết đã chuẩn bị thuốc vì vậy chị hướng dẫn con gái cho em uống thuốc hạ sốt.
Sau đó, lực lượng y tế đến test nhanh và con gái út của chị cũng có kết quả dương tính. Lòng người mẹ 40 tuổi rối bời...
Mẹ cùng con vượt qua Covid-19
“Tôi lo lắng, không biết con sẽ được đưa đi đâu. Ở trong viện, lòng tôi như lửa đốt vì cháu còn quá bé. Tôi cũng xin cho 2 mẹ con được điều trị cùng một chỗ nhưng không được. Cháu xếp hành lý và được xe cứu thương đến đón đi", chị nhớ lại. May mắn con gái chị Tuyết nhập viện cùng 11 người trong hẻm và được các cô, bác chăm sóc, giúp đỡ rất nhiều.
Chị liên tục gọi điện cho con để theo dõi tình hình. Chỉ đến khi biết con được chuyển vào Bệnh viện dã chiến thu dung số 7 và con gửi hình ảnh chỗ điều trị, phòng ở, chị mới yên tâm.
"Hàng ngày, hai mẹ con liên lạc qua điện thoại. Tôi hướng dẫn con cách ăn uống, tập thể dục. Có lần, nhớ nó quá, tôi gọi con ra ngoài hành lang. Từ nơi tôi điều trị có thể nhìn sang được bên kia. Tôi thấy con nhưng xa quá cháu không thể thấy mẹ. "Mẹ thấy con không?", nó hỏi. Tôi cười: "Có, con đang nhảy nhảy đó phải không?". "Đúng rồi, con đang nhảy nhảy cho mẹ thấy này". Thế là hai mẹ con cười òa, hạnh phúc".
Tuy nhiên chỉ sau 5 ngày, con gái chị Tuyết được xuất viện vì lý do tải lượng virus thấp không lây nhiễm nên được về cách ly tại nhà.
Hình ảnh bên trong Bệnh viện dã chiến thu dung số 8. |
Căn chị Tuyết ở có 3 phòng cho 8 người. |
Khi con được xuất viện, chị Tuyết cũng yên tâm hơn để điều trị. Mỗi ngày, chị và các F0 khác được bác sĩ thăm khám 2 lần vào sáng và chiều. Sau khi kiểm tra, nếu không có gì bất thường, các bác sĩ sẽ phát vitamin cho bệnh nhân. Trường hợp nặng, F0 sẽ được chuyển xuống phòng dưới mặt đất để kiểm tra, thăm khám.
“Khi bệnh nhân cần, nhắn lên group là 5, 10 phút sau có y bác sĩ lên thăm khám. Mỗi sáng, các bác sĩ đều hỏi rất thân tình: “Hôm nay nhà mình cảm thấy như thế nào ạ? Có ai đau, sốt không ạ?”. Đặc biệt, chúng tôi hoàn toàn không tốn kém bất cứ chi phí nào trong suốt thời gian điều trị”, chị Tuyết nói thêm.
“Ngày 22/7, tôi bị nôn, tiêu chảy. Chân tay bủn rủn, đi không nổi. Bác kiểm tra huyết áp, đo nồng độ oxy, mọi thứ đều bình thường và dặn tôi uống nước đường để có sức. Tôi uống sau đó lại bị nôn, đành uống nước lọc và lên giường nằm. 23/7, sau một ngày vật lộn với nôn ói, tôi đã trở lại bình thường”.
Những ngày sau, triệu chứng ho, đau đầu bắt đầu xuất hiện với chị Tuyết. Đến 27/7, chỉ Tuyết khỏe hơn và hy vọng đến ngày được rời bệnh viện.
Ngày 28/7, sức khỏe ổn định, chị Tuyết hồi hộp đợi chờ kết quả PCR theo chị nói là: “như chờ kết quả xổ số vậy”.
“Và rồi chuông điện thoại reo, bác sĩ yêu cầu cung cấp tên, địa chỉ để làm giấy xuất viện. Mừng quá, vui không tả nổi, cả phòng nôn nao không ngủ được. Nhưng chỉ đến khi nghe bác sĩ gọi ra lấy giấy xuất viện chúng tôi mới thở phào vì chắc chắn được về nhà”.
Ngày 29/7, chị Tuyết và 4 người trong phòng đều được về nhà. Chồng chị vẫn chưa thể xuất viện. Tuy nhiên chị nói: “Sáng nay, anh ấy có kết quả âm tính có lẽ sẽ xuất viện sớm thôi. Tôi cũng đùa chồng: “Thôi, ông đi ra đi, nhường phòng cho người khác chứ ông ở mãi, dành chỗ người ta hoài sao được?”.
Con gái lớn của chị cũng đã xét nghiệm PCR lần thứ 5 và cho kết quả âm tính. Hiện tại, 3 mẹ con đang thực hiện việc cách ly tại nhà và chờ ngày bố về đoàn tụ.
Ngọc Trang
Bức ảnh suất cơm của bác sĩ thay đổi hoàn toàn thái độ của nữ bệnh nhân F0
Khi bệnh nhân than phiền về bất tiện ở bệnh viện, bác sĩ Tứ Phương đã gửi cho chị hình ảnh suất cơm hộp của mình và đồng nghiệp với lời nhắn nhủ mong chị đồng cảm và lạc quan hơn trong quá trình điều trị.