BS Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, khoa vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi bị tràn dịch màng phổi nặng.
Bệnh nhi Dương Tuấn Minh, 15 tuổi ở xã Đại Bình, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bố Minh mất sớm vì bệnh ung thư gan đã 7 năm, mẹ mới đây cũng phát hiện ung thư vú, phẫu thuật cách đây 1 tháng, hiện đang nằm điều trị tại khoa Ung bướu của bệnh viện.
Bệnh nhi có thể trạng gầy yếu, phổi phải không thể co nở do bị màng dày bao quanh
Cháu Minh vào viện chăm mẹ được 2 ngày, sau đó đột ngột sốt cao, khó thở nhiều nên được các bác sĩ đưa đi khám và chỉ định chuyển vào khoa Nhi để điều trị.
Cháu Minh chia sẻ, cách đây hơn 1 năm, cháu không may bị ngã, đau tức ngực nhiều nhưng không đi khám, sau đó bệnh tự đỡ.
Hai tháng gần đây, Minh thường xuyên thấy khó thở, đau tức ngực bên phải khi vận động mạnh, đã đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà và được chẩn đoán viêm tràn dịch màng phổi phải.
Sau khi điều trị kháng sinh và chọc hút dịch màng phổi, tình trạng bệnh của Minh không thuyên giảm hẳn, vẫn còn cơn tức ngực, thỉnh thoảng sốt nhẹ.
Qua kết quả chụp cắt lớp lồng ngực, bác sĩ phát hiện toàn bộ màng phổi phải bị dày dính, có nhiều ổ vách chứa dịch chèn ép gây xẹp thụ động nhu mô phổi, được chỉ định phẫu thuật nội soi lồng ngực điều trị ổ cặn và bóc tổ chức dày dính màng phổi.
Khi nội soi, BS Hùng phát hiện toàn bộ màng phổi phải bệnh nhi bị dính phức tạp, có nhiều ổ cặn, bị bọc trong một lớp tổ chức dày không thể giãn nở được. Phải mất 3 giờ, các bác sĩ mới phá bỏ và làm sạch các ổ cặn và gỡ dính tối đa giúp phổi nở trở lại.
Sau mổ 1 ngày, sức khoẻ bệnh nhân hồi phục tốt, không còn đau tức ngực, hết sốt và tự thở dễ dàng.
BS Hùng chia sẻ, đây là một ca mổ khó, phức tạp bởi bệnh nhân có thể trạng gầy yếu và phương pháp gây mê thông khí một phổi kéo dài là một kĩ thuật nhiều thách thức.
BS Hùng cùng ekip phẫu thuật cho bệnh nhi
Ngoài ra, do tổn thương quá lâu nên ổ cặn màng phổi dày hoá rất cứng chắc, khó bóc tách ra khỏi thành ngực và nhu mô phổi, do đó sẽ làm mất rất nhiều thời gian gỡ dính, nguy cơ chảy máu cao.
“Với những ca nặng và phức tạp như vậy, thông thường sẽ phải chỉ định mổ mở, tuy nhiên bệnh nhi còn trẻ, tương lai phía trước còn dài nên chúng tôi quyết định nội soi lồng ngực để cháu nhanh phục hồi, giảm đau, hạn chế biến chứng và đảm bảo thẩm mỹ”, BS Hùng thông tin.
Sau mổ, bệnh nhi sẽ tiếp tục được hướng dẫn tập liệu pháp hô hấp để chức năng phổi được hồi phục tối đa.
BS Hùng cho biết, ban đầu bệnh nhi rất bi quan, không muốn điều trị tiếp do nghĩ bệnh mình khó qua khỏi và hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng sau khi được mẹ và các bác sĩ động viên, cháu đã lạc quan hơn, mong muốn nhanh khỏi bệnh để tiếp tục chăm mẹ.
Theo BS Hùng, ổ cặn màng phổi là một biến chứng hay gặp nhất sau chấn thương ngực có tràn máu khí khoang màng phổi nhưng không được điều trị đúng.
Nếu để lâu, bệnh nhân có nguy cơ xẹp phổi, nhiễm trùng viêm mủ màng phổi, dày dính màng phổi ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Thúy Hạnh
Không chỉ ‘thích’ phổi, virus corona mới còn tấn công hàng loạt nội tạng
- Càng ngày càng có thêm nhiều dữ liệu cho thấy virus nCoV nguy hiểm ngoài tầm hiểu biết của các nhà khoa học khi gây ra hàng loạt tổn thương.