- Chất cấm (tạo nạc cho heo) không còn bó hẹp tại Đồng Nai mà đã lan rộng ra cả nước. Dù tỷ lệ người sử dụng chất cấm không nhiều nhưng rất phức tạp vì mức độ phát tán rộng và nhanh.

Đó là nhận định rút ra từ buổi làm việc ngày 6/4 của bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và đoàn công tác của bộ về kiểm tra công tác quản lý chăn nuôi và kiểm soát giết mổ, kiểm soát việc sử dụng chất cấm tại tỉnh Đồng Nai.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, sau khi phát hiện có chất cấm trong chăn nuôi, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tăng cường, quản lý và xử lý các trường hợp có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Chi cục Thú y Đồng Nai đã thành lập ba đoàn kiểm tra các cơ sở giết mổ, kiểm tra sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở các trang trại.

QLTT đang kiểm tra nhãn mác bao bì chất siêu tạo nạc tại một doanh nghiệp

Tính đến ngày 27/3, Sở NN-PTNT Đồng Nai đã lấy mẫu và phát hiện 20 mẫu dương tính với chất cấm.

Còn trong ngày 31/3, Chi cục thú y lấy tiếp 93 mẫu thức ăn chăn nuôi và nước tiểu trên đàn heo, phát hiện 12 mẫu dương tính với chất cấm.

Hiện nay các địa phương trong  tỉnh đang triển khai chương trình các hộ căn nuôi, cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, cửa hàng bán thức ăn gia chăn nuôi; các lò mổ, thương lái ký cam kết không sử dụng chất cấm.

Kiểm tra 2 trại nuôi heo của ông Nguyễn Văn Thái và bà Quách Thị Thúy Oanh tại xã Bắc Sơn (trước đó, ngày 31/3, Chi cục thú y Đồng Nai phát hiện thức ăn chăn nuôi của 2 trang trại này dương tính với chất cấm Sabutamol).

Tuy nhiên, chủ trại không thừa nhận sử dụng chất cấm để trộn vào thức ăn.

Điều khiến nhiều người băn khoăn là vì sao các cơ quan chức năng không thể truy tố các đối tượng sử dụng chất cấm, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cho hay là “chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.

Nghịch lý ở chỗ, trong chăn nuôi, chất cấm bị “tuýt còi” không cho mua bán, sử dụng; trong khi ngành y tế lại dùng chất này làm thuốc điều trị các bệnh về hô hấp ?

Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi cho biết, thông tin về chất cấm không còn bó hẹp tại Đồng Nai nữa mà đã lan rộng ra cả nước. Mặc dù tỉ lệ người sử dụng chất cấm không nhiều nhưng rất phức tạp vì mức độ phát tán rộng và nhanh.

Theo ông Dương, Cục chăn nuôi đã thành lập 2 đoàn lấy mẫu ở 15 tỉnh từ Bắc Giang đến Quảng Nam nhưng chỉ phát hiện có 3/136 mẫu dương tính. Tuy tỷ lệ thấp nhưng Cục chăn nuôi vẫn đề nghị truy xuất nguồn gốc để điều tra.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu đề nghị các đơn vị của Bộ NN-PTNT và tỉnh Đồng Nai tập trung giải quyết dứt điểm các hộ đã phát hiện sử dụng chất cấm, khi xử lý cần truy nguyên đến tận cùng các sản phẩm có nguồn gốc chất cấm.

Trong vòng 1 tháng, các cơ quan chức năng cần có kết luận đầy đủ mang tính khoa học về chất cấm để Bộ rút kinh nghiệm triển khai quản lý trên cả nước.

Hoàng Châu