Theo quy định, bộ phận Một cửa được bố trí ở vị trí thuận tiện, dễ tìm, diện tích phù hợp để thực hiện nhiệm vụ, quy mô diện tích phù hợp với số lượng giao dịch giải quyết tại Bộ phận Một cửa trong ngày.
Theo quy định tại Nghị định 61 của Chính phủ sẽ có hiệu lực từ 21/6/2018, Bộ phận Một cửa là tên gọi chung của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết hoặc chuyển hồ sơ giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân.
Cùng với các quy định về việc tổ chức Bộ phận Một cửa, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ phận Một cửa, trách nhiệm của người đứng đầu Bộ phận Một cửa…, Nghị định 61 cũng quy định cụ thể đối với việc bố trí trụ sở, trang thiết bị của bộ phận này. Theo đó, Bộ phận Một cửa được bố trí ở vị trí thuận tiện, dễ tìm, diện tích phù hợp để thực hiện nhiệm vụ, quy mô diện tích phù hợp với số lượng giao dịch giải quyết tại Bộ phận Một cửa trong ngày.
Nghị định 61 của Chính phủ còn dành hẳn một Chương để quy định về ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC. Việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC phải tuân thủ các nguyên tắc gồm: bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả, đồng bộ, tránh chồng chéo, lãng phí trong đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT từ trung ương đến cơ sở; bảo đảm tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc mã dịnh danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về trang thiết bị, Chính phủ yêu cầu, căn cứ vào tính chất công việc và tình hình thực tế tại cơ quan và tiêu chuẩn, định mức về máy móc, thiết bị trang bị cho cơ quan nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các cấp quyết định theo thẩm quyền về trang thiết bị, phương tiện làm việc của Bộ phận Một cửa, đáp ứng nhu cầu làm việc và ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, các nội dung về xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia, xây dựng Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa cấp bộ, cấp tỉnh và mã số hồ sơ TTHC cũng được Chính phủ quy định rõ trong Nghị định 61 mới ban hành.
Thời điểm Nghị định 61 có hiệu lực thi hành (ngày 21/6/2018), Quyết định 09 ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương sẽ hết hiệu lực. Việc tiếp nhận các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, cá nhân được thực hiện theo Nghị định này; không thực hiện các quy định về tiếp nhận văn bản đến tại Điều 13, 14 và 15 Nghị định 110 ngày 8/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2017, triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2018.
Thông báo nêu rõ, năm 2018 là năm bản lề thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, để phát huy vai trò và tầm quan trọng của cải cách hành chính, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung phổ biến, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính phát huy và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu làm chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền, làm cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thấm nhuần lời dạy và tư tưởng của Bác Hồ là “công bộc của dân”…