Theo đại diện Bộ Tài chính, trước đây đúng là có việc ưu tiên bán cổ phần doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) theo thỏa thuận từ trước. Tuy nhiên, từ năm 2015, việc lãnh đạo DNNN và người nhà trở thành chủ sở hữu doanh nghiệp như trường hợp gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã không còn.
Trả lời báo chí tại họp báo về quyền mua cổ phần khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Nguyễn Duy Long, Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay theo cơ chế cổ phần hóa từ trước đến nay lãnh đạo DN cũng như toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp đều được mua cổ phần của doanh nghiệp đó khi cổ phần hóa.
Việc mua cổ phần của bà Thoa được mua theo hình thức thỏa thuận.
Theo đại diện Bộ Tài chính, trước đây đúng là có việc ưu tiên bán cổ phần DNNN theo thỏa thuận từ trước. Nhưng kể từ năm 2015, để đảm bảo tính minh bạch khi thoái vốn Nhà nước khỏi doanh nghiệp (DN), đã có quy định không được bán thỏa thuận trước mà phải đấu giá công khai trước, sau đó chào cạnh tranh (đấu giá theo điều kiện).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa |
Đã đấu giá công khai thì người mua cũng công khai, cạnh tranh, sòng phẳng với nhau. Điều này tránh việc thỏa thuận giữa hai bên. Việc thỏa thuận chỉ là phương án cuối cùng được áp dụng khi những phương án khác không thành công.
Việc hạn chế thỏa thuận cũng là để tránh trường hợp lãnh đạo DNNN muốn bán cho ông A mà không muốn bán cho ông B nên xây dựng phương án có lợi cho ông A. "Còn thỏa thuận là sẽ còn lên xuống nọ kia, nên giờ quy định rõ không ưu tiên bán thỏa thuận, để hạn chế những tiêu cực đó", đại diện Bộ Tài chính giải thích.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, trong Luật phòng, chống tham nhũng đã có quy chế, quy định về việc công khai, minh bạch tài sản. Cán bộ, viên chức làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước nếu xảy ra trường hợp thu nhập, tài sản bất ngờ gia tăng đều phải công khai, minh bạch tài sản, thu nhập để kiểm tra xem nguồn thu nhập, tài sản đó có nguồn gốc chính đáng hay không.
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, trước khi trở thành Thứ trưởng Bộ Công Thương từ năm 2010, bà Hồ Thị Kim Thoa là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của công ty này.
Cũng theo thông tin từ Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (mã chứng khoán DQC), tính đến hết tháng 6/2014, bà Thoa là cổ đông lớn thứ 6 của Điện Quang. Đến ngày 30/11/2014, bà Thoa nắm giữ 1.161.446 cổ phiếu của Điện Quang, tương đương 5,3% vốn. Còn theo số liệu mới nhất được chính công ty Điện Quang công bố ngày 24/1/2017, tỷ lệ cổ phiếu Điện Quang do bà Thoa nắm giữ đến ngày 30/11/2016 đã tăng lên 1.686.415 cổ phiếu với giá trị ước tính lên tới 102 tỷ đồng, tương đương với 4,91% vốn điều lệ của Điện Quang.
Bà Thoa là cổ đông lớn được xếp thứ 6 trong danh sách cổ đông nội bộ và người có liên quan của người nội bộ tại Điện Quang.
Sau khi báo chí đưa tin về số tài sản hàng trăm tỷ đồng gia đình bà Thoa đang nắm tại Điện Quang, chiều 16/2, Văn phòng Ban chấp hành TƯ Đảng thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về nội dung các bài báo liên quan đến bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Tổng bí thư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra TƯ chủ trì, phối hợp với các bên liên quan khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan đến bà Thoa và sớm báo cáo kết quả.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao các bộ Kế hoạch - đầu tư, Tài chính, Công thương và Thanh tra Chính phủ làm rõ các vấn đề liên quan khối tài sản hàng trăm tỉ đồng của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa.
Theo báo cáo quản trị năm 2016 của CTCP Bóng đèn Điện Quang, hiện gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đang nắm giữ tổng cộng 11,8 triệu cổ phiếu DQC, chiếm 34,12% vốn điều lệ doanh nghiệp này. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/3, cổ phiếu DQC có mức giá 53.000 đồng. Tính theo thị giá cổ phiếu DQC, giá trị tài sản của gia đình Thứ trưởng Thoa tại Điện Quang hiện khoảng 625 tỷ đồng. |
Hà Duy