Rào cản ngôn ngữ và quốc tịch không làm chàng trai trẻ lùi bước. Trái lại, niềm đam mê ca hát của anh đã khiến nhiều người hâm mộ tại Nga vô cùng thích thú.

{keywords} 

Chàng tiến sỹ với giấc mơ âm nhạc

Chàng tiến sỹ với giấc mơ âm nhạc

Trở thành tiến sĩ chuyên ngành ngoại giao của trường Rudn (Moscow, Liên bang Nga) từ năm 28 tuổi, nhưng chàng trai Nguyễn Văn Hưng quyết định không theo con đường ngoại giao chuyên nghiệp mà rẽ sang một hướng khác, đó là âm nhạc.

Sau khi tham gia chương trình “Minuty Slava” (dịch sang tiếng Anh có nghĩa là “Minutes of Fame” – phiên bản “Got Talent” phát trên kênh truyền hình quốc gia 1OPT của Nga vào tháng 1/2014), Nguyễn Văn Hưng đã được đông đảo khán giả, bạn bè ở xứ sở bạch dương biết đến với chất giọng trầm ấm và phong cách diễn tươi vui, cuốn hút.

Quê ở Hải Dương, sinh ra và lớn lên ở Vinh, cấp 3 Hưng học chuyên Pháp tại trường PTTH Chuyên Ngoại ngữ thuộc ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội. Đây là nơi Nguyễn Văn Hưng bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ ca hát của mình. Anh tâm sự: “Hồi đó bắt đầu mê hát, nhất là sau lần đầu hát ở trường trong ngày khai giảng bài Bụi phấn, cô Hiệu trưởng đã xúc động đến nỗi đem hoa lên tặng”.

{keywords}

Văn Hưng được yêu mến vì giọng hát và phong cách biểu diễn tươi vui

Vào thẳng Học viện Ngoại giao, một năm sau được học bổng đi du học ở Liên bang Nga, Nguyễn Văn Hưng vẫn mang trong mình niềm đam mê ca hát dù những ngày đầu sống xa nhà gặp nhiều khó khăn. “Nhớ những ngày đầu tiên khi mới qua Nga học, tôi bị lấy nhầm hành lý trên đường từ sân bay về trường, và người lái xe lại thả xuống giữa sân trường khi trường có tới 10 tòa nhà ký túc xá. Đứng một mình giữa khu ký túc rộng lớn, lại không có hành lý giữa thời tiết rét cắt da, lúc đó buồn lắm, cũng may mắn là sau đó 1 tuần tôi có nhận được vali và bắt đầu ổn định cuộc sống”.

Cũng như mọi du học sinh khác, thời gian đầu Nguyễn Văn Hưng vấp phải những khó khăn, rào cản từ sự khác biệt dân tộc, văn hóa, ngôn ngữ và cả vấn đề tài chính. Anh sang Nga với 134 đô-la trong túi, học bổng 66 đô-la/tháng, ăn uống, chi tiêu kham khổ, đạm bạc. Nhưng với ý chí và sự quyết tâm, Văn Hưng cố gắng vươn lên và hoàn thành chương trình tiến sĩ ngành Ngoại giao tại trường Rudn (Moscow) vào năm 2010.

Bên cạnh đó, anh không từ bỏ niềm đam mê ca hát, tích cực hòa mình vào các phong trào văn hóa văn nghệ: Biểu diễn ở trường, ở Đại Sứ quán, đi các làng quê, các nhà trẻ mồ côi, cựu chiến binh để hát và giao lưu.

Nuôi đam mê ca hát

{keywords}

Văn Hưng với niềm đam mê ca hát

Năm 2005, sau một cuộc thi hát của sinh viên Moscow, Nguyễn Văn Hưng được một vị giám khảo là giáo viên thanh nhạc mời về trường để học chuyên sâu về kỹ thuật thanh nhạc. Từ đó, chàng trai trẻ học Ngoại giao bắt đầu tiến vào con đường ca sĩ chuyên nghiệp.

Anh tham gia và giành khá nhiều giải thưởng trong các cuộc thi về âm nhạc như: tham gia Hội thi quốc tế thanh thiếu niên năm 2008 ở Saratov; Giải nhì Cuộc thi hát cộng đồng người Việt Nam năm 2009 (Moscow, Liên bang Nga); Giải Nhất hát đơn ca Liên hoan Chuông vàng ở Tobolsk (Sibiri) năm 2011; Giải Nhì Liên hoan ca nhạc quốc tế Dan Spataru ở Rumani năm 2013; vào vòng bán kết cuộc thi Minuty Slava (“Minutes of Fame” – phiên bản “Got Talent” của Nga 2014)…

Nói về những kỉ niệm đáng nhớ khi đi thi, Văn Hưng bồi hồi nhớ lại: “Năm 2007, tôi tập bài Ôi quê tôi của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, được kỳ vọng đạt giải nhất nhưng rốt cuộc lại chỉ được giải 3. Sau lần đó, đi đâu tôi cũng được yêu cầu hát “Ôi quê tôi”.

Nguyễn Văn Hưng còn tham gia vào ban nhạc Văn Lang – 1 trong 2 ban nhạc chính của người Việt ở bên Nga hồi đó và ban nhạc Bốn Mùa. Ban ngày anh đi làm ở một công ty du lịch – sự kiện, buổi tối lại đi biểu diễn, cuối tuần luyện thanh…

{keywords}

Nguyễn Văn Hưng chia sẻ: “Hồi còn ở Việt Nam, dù rất thích hát nhưng do sức yếu, khi biểu diễn hay bị hết hơi, nên không tiến xa hơn được. Sang bên Nga, vì tình yêu với âm nhạc, tôi cố gắng cải thiện sức khỏe, học hát một cách bài bản. Tôi tin rằng âm nhạc là chiếc cầu nối đưa các quốc gia, các dân tộc xích gần lại với nhau, là một trong những phương thức ngoại giao có hiệu quả trong thế giới hiện đại, là một cách giới thiệu, đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với thế giới”.

Chàng trai trẻ cũng tâm sự, khó nhất là tìm được sự đồng cảm của người nước ngoài, phải hát phải diễn làm sao để người bản xứ chấp nhận và yêu mến. Chính vì thế chàng trai sinh năm 1982 cảm thấy rất tự hào khi mình là thí sinh Việt Nam duy nhất dự thi “Minuty Slava”. Và trong đêm bán kết, anh cùng mẹ đã hát vang bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng dưới sự cổ vũ nhiệt tình của bạn bè quốc tế và được các vị giám khảo đánh giá đó mới là tiết mục hay nhất. Buổi tối hôm đó, lá cờ của người Việt đã tung bay, kiều bào ở Nga rất xúc động khi nghe anh cùng mẹ hát bài hát này.

“Đi hát cho cộng đồng, tôi xác định vì đam mê là chính, bởi tiền cát-xê không đáng kể. Tôi đi hát không vì tiền, mà vì tương tác với khán giả. Càng được cổ vũ hưởng ứng nhiệt tình càng hát tốt hơn. Tôi muốn được hát nhiều hơn, hát cho nhiều người nghe, tìm được sự đồng cảm của họ. Nhất là khi đi ra nước ngoài, tại các cuộc thi quốc tế, khi những bất đồng về ngôn ngữ, sắc tộc không ngăn cản được sự hòa hợp giữa người hát với khán giả, thì tôi thực sự thấy hạnh phúc và tự hào”.

Về lâu dài, Văn Hưng mong muốn tìm được con đường riêng của mình trong âm nhạc và có những tác phẩm riêng.

Một số hình ảnh khác về Văn Hưng:

{keywords}

{keywords}

(Theo Tiin)