Toàn cảnh hội nghị

Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị "Xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính và đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành". Hội nghị được tổ chức nhằm đánh quá kết quả triển khai và định hướng chỉ đạo trong thời gian tới.

Hội nghị tập trung vào các chuyên đề: Chính phủ điện tử (CPĐT) gắn với CCHC tại Bộ NN&PTNT, kết qủa cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia tại Bộ; Đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành của Bộ; Cải cách thủ tục hành chính (TTHC), triển khai cơ chế một cửa, kế hoạch triển khai Văn phòng điện tử dùng chung của bộ; Ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các nhóm hàng hóa quản lý.

Theo tin từ Cổng thông tin Bộ NN&PTNT, báo cáo kết quả triển khai xây dựng CPĐT gắn với CCHC tại Bộ NN&PTNT nêu rõ: Bộ xác định quan điểm xây dựng CPĐT theo hướng đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa CCHC, đổi mới lề lỗi phương thức làm việc với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xác định ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách TTHC và lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo trong phát triển CPĐT tại Bộ.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Về kết quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ NN&PTNT giai đoạn 2016-2020, đến nay đã hoàn thành triển khai mở rộng trên phạm vi cả nước đối với 9 TTHC đã triển khai thí điểm trên Cơ chế một cửa quốc gia. Ngoài ra, Bộ đã triển khai kết nối đối với 4 TTHC trên cơ chế một cửa quốc gia. Đến nay, trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia đã kết nối 13 TTHC của Bộ NN&PTNT. Theo kế hoạch năm 2018, Bộ sẽ hoành thành triển khai 10 TTHC mới, thực hiện tại 5 đơn vị thuộc Bộ.

Trong năm 2017, Bộ NN& PTNT đã xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 đối với 18 thủ tục hành chính tại 5 đơn vị của Bộ (Cục Chăn nuôi, Cục BVTV, Cục Trồng trọt, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Tổng cục Thủy sản). Theo kế hoạch năm 2018, Bộ NN& PTNT sẽ tiếp tục xây dựng, cung cấp DVCTT đối với 14 TTHC tại 5 đơn vị của Bộ (Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Cục Bảo vệ thực  vật, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Tổng cục Thủy sản). Như vậy, với việc triển khai 28 thủ tục hành chính qua Cổng một cửa quốc gia thì có tới 95% các hồ sơ xuất nhập khẩu được xử lý qua cấp phép điện tử.

Tính đến tháng 10/ 2018, số lượng hồ sơ điện tử các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT tiếp nhận qua Cổng một cửa quốc gia nhiều hơn cả năm 2017 là 17.979 hồ sơ (tăng 8,1%); mặc dù tiếp nhận số lượng hồ sơ tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước nhưng việc xử lý, giải quyết cấp phép/Giấy chứng nhận điện tử vẫn được đảm bảo kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, một số đơn vị như Cục Chăn nuôi, Chi cục Thú y Vùng II, Trạm kiểm dịch thực vật Nội Bài… đạt trên 98% hồ sơ cấp phép điện tử.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh rằng việc tập trung thúc đẩy CCHC, tập trung xây dựng chính phủ điện tử một cách chất lượng hơn, nhanh hơn, đặc biệt là cải thiện cung cách quản lý chuyên ngành trên các lĩnh vực là những nội dung rất quan trọng.

Năm 2018, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả hết sức ý nghĩa. Về tổng thể, kể cả phát triển ngành, xuất khẩu nông sản, hai chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và chương trình nông thôn mới đều đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên so với yêu cầu của Chính phủ, yêu cầu chung của chúng ta trên các mặt vẫn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Bộ NN&PTNT là bộ đa ngành, chức năng nhiệm vụ rất rộng, quy mô ngành hàng rất lớn, xuất khẩu nông sản đến năm 2018 cán đích 40 tỉ USD với hàng nghìn mặt hàng xuất khẩu giá trị lớn, nên yêu cầu quản lý ngành phải đạt chất lượng. Bên cạnh đó là mục tiêu xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp lên hàng đầu. Chính vì vậy việc xây dựng CPĐT, việc tập trung CCHC, tiếp tục hoàn thiện bộ máy, nâng cao năng lực chuyên môn của mỗi cán bộ là một đòi hỏi tất yếu nếu không sẽ bị loại ra khỏi trào lưu CCHC, thụt lùi so với các ngành khác.

Người đứng đầu ngành NN&PTNT cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ cần tập trung đánh giá kết quả đã thực hiện được của đơn vị mình trong việc xây dựng CPĐT gắn với CCHC và đề ra phương hướng, giải pháp từ nay cho đến hết năm 2018. Đồng thời nhắc nhở các đơn vị cần có thái độ và tinh thần làm việc quyết liệt hơn trong tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả việc xây dựng CPĐ gắn với CCHC để đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.