- Giải đáp băn khoăn của ĐBQH ở ngày đầu tiên thảo luận tại hội trường về KTXH 30/10, Thống đốc NHNN nói không thể hứa gì về xử lý nợ xấu. Còn Bộ trưởng Công thương giải thích mức hàng tồn kho hiện nay là bình thường.
Bóc 'khối u' nợ xấu, tăng trưởng mới trở lại
Nguyên Thống đốc NHNN, ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) khẳng định "nợ xấu bức bách lắm rồi", xử lý chậm ngày nào thì cả ngân hàng và doanh nghiệp “tắc” thêm ngày ấy, ảnh hưởng tới cả nền kinh tế.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng nợ xấu phát sinh do lỗi của người cho vay và người đi vay, chủ yếu để kinh doanh đa ngành, phần lớn tập trung vào bất động sản, mà thị trường này sau khi suýt đổ vỡ năm 2008 đến nay đã "xẹp bong bóng". "Giải quyết được 'điểm nghẽn' nợ xấu, 'bóc tách' được 'khối u' này khỏi cơ thể nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế mới trở lại được", ông Ngân nói. "Điều nguy hiểm là nợ xấu đang tiếp tục gia tăng ngày càng xấu, không trả được khiến 'lãi mẹ đẻ lãi con'".
Nhiều ĐB thấy không những các số liệu thống kê về nợ xấu không rõ rằng, có nguồn nói chỉ 4%, có nguồn nói trên 10%, có nguồn nói 8,6%, mà các giải pháp xử lý nợ xấu cũng chưa rõ ràng. Không ít ý kiến băn khoăn xử lý nợ xấu là để cứu ai - cứu nền kinh tế, hay chỉ cứu ngân hàng, cứu doanh nghiệp, cứu bất động sản. Các ĐB khẳng định qua xử lý nợ xấu phải làm minh bạch hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp, làm lành mạnh nền kinh tế.
Thống đốc NHNN: Để xử lý nợ xấu phải có sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị |
Vì vậy, nhiều ĐB không đồng tình việc mua bán nợ, cho rằng như vậy chỉ là chuyển nợ ra khỏi hệ thống ngân hàng mà không xử lý tận gốc vấn đề.
"Cần giã từ tư duy dùng ngân sách bao cấp, mà cần chào bán nợ xấu trên thị trường quốc tế để có nguồn vốn tốt", ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nói. ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) nhấn mạnh nếu thành lập công ty mua bán nợ phải có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, không thể buông lỏng.
Trước dồn dập những ý kiến của ĐB về nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, dù đã nhiều lần giải trình trước UB Kinh tế và Thường vụ QH, đứng lên trả lời.
Ông Bình cho biết nợ xấu không cố định mà luôn biến động theo thời gian và việc xử lý nợ xấu không chỉ cần ý chí của hệ thống ngân hàng mà còn cần sự đồng bộ của các cơ quan khác. "Nếu nợ xấu chỉ là của ngân hàng với doanh nghiệp, thì trước tiên ngân hàng phải có trách nhiệm xử lý. Nhưng chúng ta thấy hàng tồn kho cũng là nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản cũng là nợ xấu, thị trường BĐS bế tắc cũng là nợ xấu...", Thống đốc chỉ ra.
Nhận định để xử lý nợ xấu phải có sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, ông Bình cho biết NHNN đã xây dựng xong đề án xử lý nợ xấu, báo cáo Bộ Chính trị. Vì vậy, với tư cách Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Văn Bình nói "không thể hứa gì về xử lý nợ xấu".
'Mức tồn kho hiện nay là bình thường'
Một vấn đề đau đầu khác của nền kinh tế hiện nay cũng được các ĐB cho là báo động, hầu như địa phương nào cũng phải đối mặt: Chỉ số hàng tồn kho trong công nghiệp chế biến và chế tạo đến 1/9/2012 ở mức vẫn mức 20,4%, chôn vùi hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn của các doanh nghiệp, trong khi lãi suất vay ngân hàng ngày càng lớn; Nông, thủy sản tại ĐBSCL chất đầy kho lạnh, doanh nghiệp không còn vốn để mua cá nguyên liệu khiến nông dân bị thiệt hại nặng nề; Riêng ở Vĩnh Phúc tồn đến 3.500 xe ôtô và 70.000 xe máy không bán được... Đặc biệt, cả nước tồn kho khoảng 70.000 căn hộ chung cư không có người mua.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng |
Nhiều ĐB sốt ruột muốn giải quyết hàng tồn kho bằng cách kích cầu tiêu dùng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm sử dụng vốn ngân sách, phát hành trái phiếu CP lấy tiền đầu tư cho các công trình giao thông để tạo việc làm, sử dụng nguyên vật liệu như xi măng, sắt thép...
Tuy nhiên, trả lời các ĐB, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng hàng tồn kho đang giảm. "Chỉ số hàng tồn kho công nghiệp chế biến, chế tạo đến ngày 1/10/2012 chỉ còn 20,3%, giảm so với 34,9% thời điểm 1/6/2012 và 21,1% thời điểm 1/10/2011", Bộ trưởng Hoàng nói.
Tồn kho cao, theo ông Hoàng chỉ có ở các mặt hàng than, sắt thép, phân bón, xi măng. Than ở mức bình thường cũng phải dự trữ 15%, hiện tồn kho 19%, cao hơn 4%, tuy nhiên với các chính sách như giảm thuế xuất khẩu than và điều hành theo cơ chế thị trường, đến cuối năm sẽ rút tồn kho xuống mức bình thường; Phân bón tồn kho cao nhưng chuẩn bị vào vụ Đông Xuân, nhu cầu tăng sẽ làm tồn kho giảm; Thép tồn gần 40% so với cùng kỳ là do thời gian qua ngành thép phát triển vượt quy hoạch cộng với nhập khẩu dẫn đến cung vượt cầu..., Bộ trưởng Công thương phân tích.
"Như vậy mức tồn kho hiện nay là bình thường", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Không mổ xẻ, nói cho vui
Các câu trả lời của các bộ trưởng chưa khiến các ĐB yên tâm. Phát biểu gần cuối cùng trong ngày, ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) chỉ ra: Nợ xấu có nhiều loại phát sinh do những mối quan hệ khác nhau trong nền kinh tế, cần làm rõ bản chất của từng loại để có đề án tổng thể xử lý từng mối quan hệ một cách đồng bộ, nếu không nợ xấu của tín dụng này sẽ kéo theo nợ xấu của tính dụng kia.
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông |
Tương tự, hàng tồn kho do nợ xấu dẫn đến, cũng cần làm rõ là thuộc loại gì, nguyên nhân do dâu. "Hàng tồn kho nhiều ở lĩnh vực bất động sản nhưng cũng có nhiều ở các lĩnh vực khác, mà chỉ cần nhìn vào không khí ảm đạm ở các siêu thị, trung tâm mua sắm là thấy", ông Thông nói. "Cần tìm đến gốc gác từng vấn đề, hàng xuất ra không bán được là do chất lượng kém hay do quản lý thị trường kém, để hàng ngoại nhập giá rẻ thao túng thị trường...".
Từ đó, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, đặc biệt trong việc "vì sao những vấn đề này đều đã được cảnh báo từ trước mà vẫn không giải quyết được": "Bên cạnh giải quyết những vấn đề trước mắt cụ thể, Chính phủ cần có những giải pháp căn cơ lâu dài. Tại sao những chủ trương tái cơ cấu được đặt ra nhiều năm mà vẫn thực hiện chậm và không như mong muốn?.
Muốn làm rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các địa phương vì "có cảm giác rất nhiều vấn đề nổi cộm của kinh tế thị trường không có ai chịu trách nhiệm cả, cứ nói chung chung", ĐB Lê Minh Thông khẳng định: "Nếu không mổ xẻ một cách mạnh mẽ, quyết liệt thì câu chuyện sẽ cứ nói cho vui thôi, niềm tin của nhân dân, người tiêu dùng đối với thị trường sẽ khó lấy lại".
Chung Hoàng - Trần Thủy - Ảnh: Quang Khánh