Trao đổi trên nghị trường chiều nay (22/11), Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho hay, khác với Hungary, Việt Nam đã lường trước sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ nên nếu xảy ra chuyện gì thì hoàn toàn đảm bảo được an toàn.


Tuy không trực tiếp trả lời chất vấn tại nghị trường, song, để "chia lửa" với Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, ông Phạm Khôi Nguyên đã được Chủ tịch Quốc hội mời nói thêm đôi điều về dự án khai thác bôxit.


Đoàn công tác của Bộ TN&MT vừa đi Hungary về cách đây 4 ngày. Đoàn đang hoàn thiện báo cáo gửi Quốc hội và các cơ quan chức năng.


Theo Bộ trưởng Nguyên, công nghệ của Hungary hiện nay có từ năm 1942. Từ đó đến nay đã có 6 lần đổi mới công nghệ, trong khi lựa chọn của Việt Nam là một trong những công nghệ tiên tiến nhất thế giới - công nghệ thải ướt.


Mà hiện nay công nghệ thải ướt chiếm 66%, công nghệ thải khô chiếm 34%. Độ PH của công nghệ thải ướt mà Việt Nam chọn là 10 - 11%  trong khi công nghệ của Hungary là 13%.


 
 Ảnh: Lê Anh Dũng

"Do vậy, tất cả thiết bị và vận chuyển, thiết bị tái thu lại sút v.v... với các công nghệ và vật liệu hiện nay hoàn toàn không bị ăn mòn"
, ông Nguyên cho hay.


Liên quan đến an toàn hồ bùn đỏ, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, hồ chứa nước bạn xây dựng trên nền đất yếu, dựa vào đất sét, không có hệ thống gia cố.


Trong khi đó, hồ chứa bùn đỏ của Việt Nam gồm nhiều lớp,  thứ nhất là vải địa kỹ thuật; lớp thứ hai là polyethylene; lớp thứ ba là vải địa kỹ thuật; lớp thứ tư trên đó còn một lớp đất sét 30 cm đan phân và cuối cùng đến lớp cát dày 50 cm.


Như vậy, độ thẩm thấu của hồ chứa Tây Nguyên cao gấp nhiều lần so với Hungary. Chưa kể, thành bùn đỏ ở Hungary xây bằng bê tông xỉ, không làm móng, xây quây tròn với độ cao 25m đến 30m từ trên mặt thẳng xây lên.  Còn Việt Nam xây hồ trong thung lũng, ba mặt là đồi và núi.


"Chúng ta tưởng tượng như một cái đập thủy điện, hồ chứa bùn đỏ cũng dựa vào bề mặt sẵn như vậy. Ngoài ra, chúng ta còn gia cố thêm",
ông Nguyên giải thích.


Bộ trưởng Bộ TN&MT nói thêm, trong quá trình vận hành thì bể chứa của Hungary chứa tới 4,2 triệu mét khối, trong khi đó mỗi bể chứa ở Việt Nam chỉ chứa có 0,6 đến 1,5 triệu.


Như vậy độ áp lực của hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên thấp bằng một phần tư.


Ông Phạm Khôi Nguyên cũng khẳng định, phía Hungary không hề lường trước sự cố.


"Nhưng chúng ta thì đã lường trước những sự cố  trên và nếu xảy ra chuyện gì thì hoàn toàn đảm bảo được mức độ an toàn. Nếu vì một tác động ngẫu nhiên dẫn đến vỡ đập thì phương án thế nào đã nêu cả trong báo cáo đánh giá tác động môi trường",
ông Nguyên nói.


Bộ trưởng TN&MT cũng thông tin thêm về chuyến thực địa tại Tây Nguyên mới đây do liên bộ Công thương - Tài nguyên & Môi trường cùng các ĐBQH, báo chí phối hợp.


Ông Nguyên "chốt" lại bằng chính nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường QH Đặng Vũ Minh: Với tình hình địa thế trong đó, với tình hình động đất đã khảo sát, với báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ TN&MT đã phê duyệt và TKV thực hiện đúng như vậy thì vấn đề an toàn cho hồ bùn đỏ của nhà máy bôxit Tân Rai và Nhân Cơ hoàn toàn không có vấn đề gì trắc trở có thể xảy ra.


Trong phần trả lời chất vấn cuối buổi sáng, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cũng đã khẳng định, dự án khai thác bôxit là dự án quan trọng về quốc phòng, an ninh.


  • Lê Nhung