- Tại buổi trao đổi về những điểm mới của dự thảo Quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015, Bộ trưởng Bộ  GD-ĐT cho biết, việc đổi mới thi cử sẽ giảm được 320 tỷ đồng.

Một nội dung của dự thảo lần này là việc tổ chức các cụm thi liên tỉnh (phục vụ cho xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở tuyển sinh ĐH, CĐ) và cụm thi tổ chức ở địa phương khó khăn với chỉ mục đích xét tốt nghiệp THPT.

  {keywords}
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT PHạm Vũ Luận (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Trước băn khoăn tỉ lệ học sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT khá thấp, học sinh ở những tỉnh như Lào Cai phải 100% thi tốt nghiệp mà phải đi hàng trăm km về thành phố dự thi sẽ dẫn đến lãng phí, ảnh hưởng tâm lí học sinh, trả lời trên VnExpress, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng:

Khi thiết kế phương án thi THPT quốc gia thì đối tượng đầu tiên Bộ quan tâm và ưu tiên là học sinh, bao gồm cả học sinh THPT, GDTX, cả đối tượng dự thi chỉ để công nhận tốt nghiệp, HS có nhu cầu xét tuyển vào ĐH, CĐ.

“Chúng ta giảm được một kỳ thi thì sẽ giảm được kinh phí rất lớn để tổ chức hội đồng ra đề, kinh phí in sao, vận chuyển, bảo mật, chi cho các lực lượng đảm bảo an toàn, bí mật, thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo, tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở của thí sinh và phụ huynh.

Với HS thi để vừa tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, phải thi 2 lần, đi xa nhà, đến các cụm thi tại các thành phố lớn...thì bây giờ chỉ đi 1 lần. Lần này xa hơn lần thi tốt nghiệp nhưng gần hơn lần đi thi ĐH trước đây” – Bộ trưởng cho biết.

Về bài thi, trước đây HS phải làm 7 bài gồm 4 bài tốt nghiệp và 3 bài của 1 khối thi, cháu nào thi 2 đợt thì phải thi 3 môn nữa, nếu dự thi hết phải thi 13 bài. Giờ HS làm tối thiểu 4 bài, nếu đăng ký thêm thì có thể 5,6 tối đa là 8 bài.

Như vậy bài thi làm ít, thời gian lưu trú ngắn. Không phải về các trung tâm thành phố thì chi phí đỡ đắt đỏ, những khó khăn về mặt kỹ thuật sẽ giảm thiểu. Về phía nhà trường, ngân sách trung ương sẽ tiết kiệm được nhiều.

Đối với HS chỉ thi để xét công nhận tốt nghiệp sẽ thi 4 môn - số lượng bài thi như những năm trước. Đi lại thì xa hơn, trước đây từ xã lên huyện thì nay phải lên tỉnh.

Bộ GD-ĐT chủ trương HS không phải nộp lệ phí thi. Chi phí phát sinh về di chuyển thì ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ. Các địa phương sẽ tổ chức đưa học sinh đến điểm thi an toàn, thuận lợi. Nguồn kinh phí hỗ trợ được lấy từ khoản tiết kiệm được do bỏ một kỳ thi.

Trước đây địa phương phải lo 100% cho HS thi tốt nghiệp, nay chỉ lo cho một phần nhỏ HS chỉ thi tốt nghiệp, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 20%, như vậy tiết kiệm được 80% so với trước đây.

Bộ trưởng cho biết: “Chúng tôi đã trao đổi với nhiều giám đốc sở GD trong đó có đại diện tất cả các miền từ miền núi đến đồng bằng, Hà Nội để kiểm tra khái quát, trong kỳ thi tốt nghiệp năm trước, kinh phí chi từ ngân sách bình quân là 400.000 đồng mỗi cháu.

Chúng ta có khoảng 1 triệu học sinh, ngân sách phải chi khoảng 400 tỷ. Nay chỉ có khoảng 20% có nhu cầu thi tốt nghiệp, sẽ giảm được khoảng 320 tỷ đồng. Một phần trong khoản tiết kiệm này sẽ được dùng để hỗ trợ học sinh chỉ thi tốt nghiệp”.

Học sinh và phụ huynh, kể cả HS chỉ thi tốt nghiệp không có gì khó khăn. Chi phí nhà nước được tiết kiệm, chi phí của thí sinh phải bỏ ra không tăng. Những khó khăn khác sẽ có hỗ trợ như thanh niên tình nguyện, các hình thức xã hội hóa sẽ giúp HS vượt qua bỡ ngỡ những năm đầu tiên.

"Như vậy Bộ đã tính toán đến lợi ích của học sinh và tiết kiệm chi phí cho ngân sách và áp lực xã hội" - Bộ trưởng nói.

Phương án thi ổn định đến 2021

Trước lo lắng kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sau khi có quy chế hoàn chỉnh sẽ được kéo dài ít nhất là bao nhiêu năm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết:

Theo quyết định của Quốc hội, chương trình SGK mới sẽ được triển khai vào năm học 2018-2019. Số học sinh vào đại học của chương trình này nhanh nhất là 2021.

Như vậy quy chế hiện nay sẽ ổn định đến 2021.

  • Văn Chung (ghi)