“Các nước trên thế giới đều tôn trọng quyền tự do ngôn luận và đưa ra những quy định để bảo vệ quyền tự do nguôn luận của con người. Song họ cũng đều thấy rằng tự do ngôn luận không phải là vô hạn mà được hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật”.

Đó là một trong những nội dung thông tin được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chia sẻ tại chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 8/9.

Thưa Bộ trưởng, càng gần đến này Nghị định 72 có hiệu lực thì mối quan tâm của người dân ngày càng tăng lên khi họ muốn biết nghị định này có những điểm tích cực như thế nào để có thể làm trong lành lại môi trường internet. Bộ trưởng có thể nói một cách vắn tắt về những điểm tích cực của Nghị định 72?

Chúng ta đều biết các nước trên thế giới đều tôn trọng quyền tự do ngôn luận và đưa ra những quy định để bảo vệ quyền tự do nguôn luận của con người. Song họ cũng đều thấy rằng tự do ngôn luận không phải là vô hạn mà được hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật.

Để đảm bảo cho việc tạo hành lang pháp lý, góp phần quản lý tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, ngày 15/7/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị định 72. Đây là nghị định rất quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cũng như động lực để thúc đẩy phát triển internet và cung cấp các dịch vụ sử dụng dịch vụ trên internet cũng như các trang mạng xã hội.

Nghị định này gồm 6 chương, 46 điều đưa ra những quy định chi tiết cho việc cung cấp các dịch vụ trên internet, sử dụng tài nguyên internet, đưa ra những nguyên tắc, hành lang pháp lý cho việc cung cấp, sử dụng, phát triển dịch vụ của các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, những chế tài quan trọng để quản lý các trang thông tin này. Đồng thời cung cấp các dịch vụ thông tin trên di động cũng như các chế tài quản lý các trò chơi điện tử, quản lý và cung cấp những phương thức hiệu quả nhất để đảm bảo an toàn, an ninh trên mạng.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chia sẻ về Nghị định 72
tại chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời. Ảnh LD

Nghị định 72 cũng đã đưa ra những nội dung rất mới, đó là thực hiện nghiêm túc nguyên tắc phát triển đi đôi với quản lý, quản lý để tạo điều kiện cho phát triển. Cụ thể trong Nghị định 72 luôn tạo điều kiện thúc đẩy cho mọi tổ chức cung cấp, khai thác các dịch vụ trên internet, tìm kiếm, chia sẻ trao đổi thông tin trên mạng. Đồng thời đưa ra những điều kiện để xây dựng các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội theo đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân cung cấp, thu thập thông tin từ Việt Nam đến các nước, và từ các nước về Việt Nam theo khuôn khổ pháp luật và điều ước quốc tế; bảo hộ lợi ích hợp pháp của người sử dụng internet cũng như trang mạng.

Một điểm rất mới của nghị định này là đưa ra những hành lang pháp lý, các nội dung để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Trong nghị định này cũng nêu ra những khái niệm, nội dung, nội hàm của việc thế nào là an toàn thông tin, thế nào là an ninh thông tin, đồng thời cũng khẳng định, đưa ra vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của Bộ TT&TT, Bộ Công an cũng như các cơ quan khác. Nghị định cũng đưa ra những chế tài, nghĩa vụ quyền lợi của những tổ chức cung cấp các dịch vụ trên mạng internet, cung cấp các dịch vụ trò chơi điện tử, để đảm bảo cho mọi người dân cũng như các tổ chức tham gia cung ứng, sử dụng dịch vụ này đều thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thưa Bộ trưởng trong thời gian vừa qua có tình trạng các trang mạng lấy thông tin từ các báo chính thức nhưng lại không trích nguồn, thậm chí còn biên tập lại và giật tít câu khách làm sai lệch nội dung thông tin. Vậy trách nhiệm của Bộ đến đâu trong việc này và Bộ sẽ xử lý cụ thể những trường hợp đó như thế nào?

Những hiện tượng cố tình làm sai lệch thông tin trên báo chí là vi phạm bản quyền của báo chí cần phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Nghị định 72 cũng đưa ra những loại hình hết sức cụ thể trong những trang thông tin, để khẳng định được các trang thông tin nào thì được cung cấp những nội dung sử dụng dịch vụ gì và chịu những chế tài gì. Ví dụ trang thông tin tổng hợp, trang thông tin nội bộ, trang thông tin điện tử cá nhân, trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành, những trang thông tin riêng biệt đó phải chịu trước chế tài theo quy định của pháp luật và những hoạt động đó.

Những hoạt động làm sai lệch, phương hại đến nội dung của báo chí đã nêu thì đều được ngăn chặn và xử lý một cách kịp thời. Chính vì vậy đây là một nội dung rất quan trọng mà Nghị định 72 hướng tới, góp phần đảm bảo tính minh bạch, công khai trong thông tin, bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp chính đáng cũng như đảm bảo bản quyền của tác phẩm báo chí.

Một bạn trẻ gửi thư đến chương trình hỏi, thưa Bộ trưởng cháu là một trong hàng triệu người dùng facebook tại Việt Nam. Gần đây đọc báo, đặc biệt được bạn bè cháu chia sẻ là sắp tới Bộ sẽ xử phạt những cá nhân nào đưa tin tức thời sự, hay các bài viết về sức khỏe, công nghệ thời trang từ các báo khác lên trang cá nhân của mình.

Ngoài ra cháu cũng nghe một số báo phân tích như thế là không hợp lý, vì facebook cũng là diễn đàn để chia sẻ thông tin. Vậy quan điểm của Bộ trưởng về việc này là như thế nào? Có đúng là sắp tới Nghị định 72 sẽ cấm chia sẻ tin tức trên các trang mạng xã hội hay không?

Xin cám ơn câu hỏi của các bạn. Đây là một câu hỏi rất quan trọng và có thể nói là nhiều người trông đợi. Tôi khẳng định rằng trong Nghị định 72 không có nội dung nào ngăn cấm những người tham gia các trang mạng xã hội.

Trong thời gian vừa qua, một số báo cũng như một số trang mạng xã hội có viết về Nghị định 72, nhưng chưa giải thích rõ về nghị định này. Như chúng ta đã biết trong Nghị định 72, điều 20 đã ghi rất rõ, phân biệt rất rõ về những trang thông tin điện tử đang hoạt động hiện nay. Khoản 4 điều 20 cũng nói về trang thông tin điện tử cá nhân. Đây là những trang do các cá nhân xây dựng lên trong quá trình sử dụng mạng xã hội để nhằm cung cấp, chia sẻ thông tin của cá nhân mình, nhưng không phải đại diện cho tổ chức cũng như không đại diện cho người khác và không cung cấp thông tin điện tử tổng hợp. Như vậy Nghị định 72 không cấm cá nhân cung cấp, chia sẻ thông tin của cá nhân mình, mà chỉ cấm không được thực hiện cung cấp thông tin tổng hợp.

Khoản 3 của Nghị định quy định về trang thông tin nội bộ, cũng như khoản 5 về trang thông tin ứng dụng chuyên ngành cũng không được cung cấp thông tin điện tử tổng hợp.

Điều 10 về quyền lợi, nghĩa vụ sử dụng internet cũng như điều 23 nói về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng trang mạng xã hội, cũng không có điều nào cấm cung cấp thông tin, cấm truy cập, chia sẻ thông tin trên mạng.

Riêng thông tin điện tử tổng hợp, một số trang mạng như trang cá nhân, trang nội bộ, trang thông tin điện tử chuyên ngành không được cung cấp. Nếu như trang thông tin cá nhân, trang điện tử nội bộ cũng như trang thông tin điện tử chuyên ngành muốn cung cấp trang thông tin tổng hợp thì phải thực hiện theo các quy định của pháp luật đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp cũng như là cung cấp thông tin của các chuyên ngành khác.

Như vậy có thể nói trong Nghị định 72 không ngăn cấm các cá nhân cung cấp, truy cập, tìm kiếm, chia sẻ thông tin trên mạng.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(Theo infonet)