Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng có buổi chia sẻ tại khai mạc Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT và truyền thông tổ chức ở Phú Yên từ ngày 22/8. Tại sự kiện này, Bộ trưởng đã dành thời gian trả lời khá nhiều thắc mắc.

Trước câu hỏi, cơ chế Sandbox (cơ chế thử nghiệm, thí điểm áp dụng trong phạm vi hạn chế - PV) được đưa ra gần đây có phải chỉ dành cho các công ty khởi nghiệp, các đơn vị nhà nước khi cần thử dịch vụ mới có được áp dụng cơ chế Sandbox hay không?

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, cơ chế Sandbox được ứng dụng cho những thử nghiệm mới ở bất kỳ tổ chức nào, thậm chí cơ quan nhà nước nên đi đầu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cơ chế Sandbox được ứng dụng cho những thử nghiệm mới ở bất kỳ tổ chức nào, thậm chí cơ quan nhà nước nên đi đầu.

Trước ý kiến cho rằng muốn số hoá văn bản nhưng bị vướng các quy định. Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng khi thử nghiệm cái mới sẽ phải vướng rào cản này kia.“Cái mới sẽ luôn luôn vướng các quy định, bởi vì nếu đưa ra một giải pháp mà cơ quan nào cũng đồng tình, quy định có sẵn thì không còn là mới nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời.

Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cần thử nghiệm những mô hình mới trong phạm vi nhỏ, đối tượng ít, sau đó mới tiến hành nhân rộng. “Chẳng hạn có thể thử nghiệm trong quy mô một phòng ban, với một số công việc cụ thể, rủi ro ít nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Hãy đưa ra yêu cầu với người đứng đầu, sau đó thử nghiệm trong quy mô hẹp, rủi ro ít nhất, vì rõ ràng người đứng đầu phải chịu trách nhiệm một tổ chức lớn nên cần phải cân nhắc thiệt hại khi đưa ra các quyết định. Bộ trưởng Bộ TT&TT lấy ví dụ về việc cho thử nghiệm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán. Chẳng hạn chỉ cho phép dùng tài khoản này mua thẻ cào, đóng tiền điện... trong thời gian ban đầu để quan sát. Sau đó, khi thấy hiệu quả thì mới tiến hành nhân rộng cho phép thanh toán các dịch vụ khác sau.

Điều chỉnh khung pháp lý để phù hợp với cái mới

Bên cạnh những lợi ích mang lại rất lớn, chuyển đổi số cũng có những thách thức nhất định. Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết thách thức lớn nhất trong quá trình này chính là những mối quan hệ mới được nảy sinh, có chấp nhận các mối quan hệ mới đó hay không.

Chẳng hạn taxi công nghệ như Grab, Uber là mô hình mới hoàn toàn, trước nay chưa có. Các công ty này cung cấp dịch vụ taxi nhưng lại không phải là công ty vận tải, mà là một nhà cung cấp nền tảng. Do đó chính sách phải thay đổi để chấp nhận một khái niệm mới.

Hay nền tảng cho thuê nhà Airbnb cho phép mọi người dân kinh doanh dịch vụ lưu trú. Đây là hình thức mới giúp mọi người có thể kinh doanh, nhưng làm sao để quản lý hoạt động, làm sao để thu thuế là các vấn đề mới phát sinh cần giải quyết.

Hoặc trên mạng xã hội có những người có sức ảnh hưởng lớn, thậm chí sức ảnh hưởng còn lớn hơn báo chí. Mọi người có tự do biểu đạt chính kiến, nhưng làm thế nào nếu người có ảnh hưởng này lại làm ảnh hưởng đến người khác, tự do của người này làm ảnh hưởng đến tự do của người khác. "Đó chính là những vấn đề thách thức trong thời đại mới", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.