Quan điểm trên được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT và truyền thông tổ chức ở Phú Yên từ ngày 22/8.
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Việt Nam cần hàng trăm ngàn công ty khởi nghiệp nhỏ, quy mô 5-10 người, đi sâu vào giải quyết những vấn để thường nhật của cuộc sống. |
Tại ngày khai mạc hội thảo sáng 22/8, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng khi triển khai chuyển đổi số chưa cần nghĩ đến những việc xa xôi, chỉ cần nghĩ đến việc giải quyết những vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình mình, làng xã mình; liên quan đến doanh nghiệp mình, tổ chức của mình, sau đó mới nghĩ đến những vấn đề quốc gia, toàn cầu.
“Tư duy làm sao để mẹ mình bán được nải chuối nhanh hơn, đỡ vất vả hơn, có lợi nhuận hơn là đã tốt lắm rồi. Cách nghĩ như thế chuyển đổi số sẽ diễn ra nhanh hơn”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Tương tự như vậy, Bộ trưởng cho rằng Việt Nam cần hàng trăm ngàn công ty khởi nghiệp nhỏ, quy mô 5-10 người, đi sâu vào giải quyết những vấn để thường nhật của cuộc sống, với quy mô nhỏ, tại các làng, xã, tỉnh, thì quá trình chuyển đổi số sẽ diễn ra rất nhanh.
Việt Nam "nhẹ gánh", sẽ đi nhanh hơn trong Cách mạng công nghiệp 4.0
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, Việt Nam không trải qua 3 cuộc cách mạng trước, kinh nghiệm cũng không nhiều, điều này nếu nhìn một góc nào đó sẽ là lợi thế. Nhiều người nghĩ phải có nền tảng quá khứ thì sẽ đi nhanh hơn nhưng khi cuộc cách mạng xảy ra thì thường những người ít quá khứ sẽ đi trước bởi vì quá khứ thành công đôi khi là một gánh nặng. Những người chưa có bài toán thành công trước đó thì sẽ tiếp thu kiến thức mới nhanh hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra dẫn chứng, một nhà mạng vốn đã có hạ tầng 2G, 3G, 4G, nếu yêu cầu phải xây mới nền tảng 5G quá tốn kém, sẽ cảm thấy rất băn khoăn. Tuy nhiên một nhà mạng mới chưa từng đầu tư có thể nhảy vào đầu tư ngay 5G không phải suy nghĩ nên sẽ bắt kịp rất nhanh. Hoặc một hạ tầng đã đầu tư bao nhiêu năm nay, tốn hàng ngàn tỉ USD, đang vận hành tốt nhưng cần phải bỏ đi để xây dựng cho CMCN 4.0 thì chắc chắn sẽ khó ra quyết định. Tuy nhiên, nếu một tổ chức mới toanh không có nền tảng gì trước đó thì sẽ sẵn sàng hơn trong việc đầu tư công nghệ mới.
Liên hê tới Phú Yên, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng vùng đất này xa xôi, nhà đầu tư chưa tiếp cận tới lại là một lợi thế. Bỏi vì, Phú Yên vẫn còn hoang sơ, vẫn còn “đất”, không bị đầu tư “lỗ chỗ”. Với một khoảng không gian rộng rãi chưa bị khai thác ngổn ngang như vậy, Phú Yên có thể quy hoạch để thử nghiệm nhiều thứ mới tốt hơn.
Bên cạnh đó, những khó khăn hiện tại của Phú Yên sẽ là nền tảng để sáng tạo. Chẳng hạn, người dân vùng xa xôi hẻo lánh sẽ khó tiếp cận được nền giáo dục tốt nhất, khó điều giáo viên giỏi nhất về vùng hẻo lánh. Như vậy, Phú Yên có thể thử nghiệm đưa vào chương trình giáo dục trực tuyến. Nếu thực hiện tốt việc này, Phú Yên có thể trở thành tỉnh đi đầu trong việc ứng dụng giáo dục qua mạng Internet.
“Hoặc việc thử nghiệm ô tô không người lái chẳng hạn. Phú Yên sẽ tốt hơn Hà Nội nhiều lần vì ở đây không có nhiều thứ để quan ngại như ở Hà Nội”, Bộ trưởng đưa ví dụ.
Hay để trang bị cho người dân Phú Yên thành công dân điện tử, Bộ trưởng cho rằng chỉ cần phát triển hai thứ, gia tăng tỷ lệ sở hữu smartphone của người dân và đẩy mạnh chính phủ điện tử. Giải quyết được hai bài toán này việc chuyển đổi số của tỉnh sẽ diễn ra nhanh hơn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, gia tăng tỷ lệ sở hữu smartphone và thúc đẩy chính phủ điện tử sẽ giúp người dân Phú Yên trở thành công dân điện tử, Ảnh: Hải Đăng |
Đào tạo nhân lực chuyển đổi số hiệu quả nhất là tại các doanh nghiệp
Trước câu hỏi về cơ chế đào tạo nguồn nhân lực cho Chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần có cách tiếp cận khác về vấn đề này. Nếu chờ ngành giáo dục đổi mới thì sẽ mất nhiều năm, do đó việc đào tạo hiệu quả nhất hiện nay là tại các doanh nghiệp. Theo đó, thay vì chỉ chờ ngành giáo dục, chúng ta cần thực hiện việc đào tạo tại doanh nghiệp, song song kết hợp với đổi mới giáo dục để góp phần tạo ra nguồn nhân lực giỏi hơn.
Các doanh nghiệp có một lợi thế là có công việc thực tiễn và có cơ sở vật chất, có người đi trước hướng dẫn. Việt Nam có 700.000 doanh nghiệp, chính những doanh nghiệp đó sẽ thực hiện nhiệm vụ đào tạo những người mới ra trường để có kỹ năng cần thiết phục vụ cho doanh nghiệp của mình. Việc đào tạo nguồn nhân lực này có thể thực hiện bằng nhiều cách, học ở nơi làm việc, học trên mạng, học qua các mối quan hệ xã hội, kết hợp với học tại trường học.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng cũng cần đưa chuyển đổi số vào giáo dục. Bởi vì, chúng ta không thể đòi hỏi hàng triệu giáo viên phải xuất sắc như nhau, do đó phải có giải pháp học trực tuyến, một giáo viên giỏi sẽ truyền đạt kiến thức và đánh thức khả năng học hỏi ở học sinh.
Tuy vậy, vẫn cần phải có một giáo viên hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho 30 học sinh tại lớp. Điều đó đồng nghĩa là phải kết hợp giữa giáo viên giỏi truyền đạt kiến thức và những giáo viên tại lớp hướng dẫn học sinh học tập. “Phú Yên có thể đào tạo những nhân sự hạt nhân, như cần chục người giỏi xuất sắc để truyền đạt cho nhiều người khác, sau đó cần có một ngàn hạt nhân khác nữa để hướng dẫn cho nhiều người khác nữa theo cấp số nhân. Như vậy chuyển đổi số ở tỉnh sẽ hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra lời khuyên.