Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tính đến tháng 10/2019, cả nước có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 827 xã (9,3%) so với cuối năm 2018; Bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, tăng 0,75 tiêu chí so với cuối năm 2018; cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Riêng về huyện NTM, cả nước có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 48 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2018. Trong đó, có 04 huyện (Hải Hậu, Nam Định; Nam Đàn, Nghệ An; Đơn Dương, Lâm Đồng và Xuân Lộc, Đồng Nai) được Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới, để tổng kết, đánh giá phục vụ xây dựng tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn sau năm 2020. 

Đến nay, đã có 08 địa phương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ).

Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định đã có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hiện đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

{keywords}
10 năm xây dựng NTM, làng quê Việt Nam đã khoác lên mình diện mạo mới (ảnh: Lê Anh Dũng)

Chia sẻ về Chương trình xây dựng NTM, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, sau 10 năm triển khai, diện mạo nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã có những đổi thay mang tính toàn diện.

Theo Bộ trưởng Cường, trong quá trình triển khai, hầu hết các địa phương đã xác định rõ xây dựng NTM là một trong những chương trình đột phá để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Đồng thời đưa vào là một trong những nội dung chính của Đại hội Đảng các cấp. Đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của các địa phương cũng đã vào cuộc mạnh mẽ, tâm huyết hơn; nhiều nơi có tư duy, cách làm mới, huy động nguồn lực lớn và đa dạng cho xây dựng NTM.

Có thể thấy, xây dựng NTM là một chương trình triển khai sâu rộng trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, từ kinh tế, xã hội đến an ninh quốc phòng, phạm vi ảnh hưởng vô cùng rộng lớn, trên toàn bộ các vùng nông thôn trên lãnh thổ Việt Nam gồm 9.000 xã, 600 huyện của 63 tỉnh thành phố. Một chương trình chưa từng có tiền lệ.

Trước khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, Bộ trưởng cho biết, chúng ta chưa hề có tiền lệ thực hiện một chương trình nào tương tự, với khối lượng công việc khổng lồ, mang tính toàn diện để thay đổi diện mạo nông thôn, cơ cấu sản xuất, đòi hỏi phải tiêu tốn một nguồn lực khá lớn để hoàn thiện hệ thống hạ tầng, củng cố thiết chế văn hóa, đổi mới sản xuất. Nhiều người hoài nghi sẽ không thể thực hiện được mục tiêu của chương trình.

Song, bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân, đến thời điểm này, có thể khẳng định, những mục tiêu bao trùm của chương trình chúng ta đều đạt và vượt, nhiều chỉ tiêu còn vượt mục tiêu đề ra.

Đơn cử, Nghị quyết 26 đặt ra mục tiêu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn tăng 2,5% so với năm 2008 thì đến nay thu nhập của người dân đã tăng 3,5 – 3,7 lần (năm 2018, thu nhập bình quân đạt 34 triệu đồng/người, năm 2019 đạt 37 triệu đồng/người), vượt mục tiêu đề ra.

Hay như, đầu tư cho hoàn thiện đường giao thông gấp 5 lần trong 5 năm qua; đến nay gần như 100% số xã đã cơ bản được sử dụng điện lưới quốc gia. Mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 50% số xã đạt chuẩn NTM thì đến nay, đã có 5.500 xã đạt chuẩn, vượt trên 50%, về đích trước một năm.

Với kết quả đáng khích lệ, vượt nhiều mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kỳ vọng Việt Nam sẽ có một nền nông nghiệp phát triển hiện đại, nông thôn là những miền quê đáng sống với những nét đẹp riêng, các giá trị văn hoá được lưu giữ còn nông dân có cuộc sống khá giả, tiến tới giàu có.

Song, để những điều trên thành hiện thực trong giai đoạn cách mạng 4.0 với nhiều cơ hội và thách thức, theo Bộ trưởng Cường, việc trước mắt cần phải thực hiện là đánh giá lại bộ tiêu chí NTM, có những tiêu chí mang tính bản chất như thu nhập, đời sống người dân, tiêu chí cơ bản về môi trường hay những tiêu chí mềm như bản sắc văn hóa dân tộc, đời sống nông dân, vai trò vị thế của người nông dân cần được đánh giá lại.

Bên cạnh đó, khi hội nhập với nền kinh tế thế giới nghĩa là chúng ta đã tham gia cuộc chơi toàn cầu, chúng ta phải chấp nhận cả những rào cản kỹ thuật mà các nước dựng lên để từ đó điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, hình thành các chuỗi liên kết lớn mạnh, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Từ thực tế này, đòi hỏi các ngành chức năng hoàn thiện cơ chế chính sách đảm bảo nông nghiệp, nông thôn phát triển ổn định.

Bài: Nguyễn Hoài Linh - nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Hồng Phúc - nhóm PV