Bỏ tiền ra đào tạo lại là giáo dục đại học không thành công
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tuyển sinh đại học năm 2019 đã diễn ra sáng nay, 17/7 với sự tham gia của lãnh đạo ngành giáo dục đào tạo và hơn 300 trường đại học trong toàn quốc.
Phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói rằng năm nay đã cải thiện chất lượng ngay từ khâu đầu là xét tuyển. Và bây giờ thì tiếp cận đảm bảo chất lượng từ chuẩn đầu ra.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Người sử dụng lao động phải bỏ tiền ra đào tạo lại là giáo dục đại học không thành công". Ảnh: Lê Thanh Hùng |
Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng nhiều trường hiện nay vẫn mất nhiều tâm sức cho xét tuyển, trong khi trường đại học còn phải trách nhiệm với người học, cam kết với họ để khi ra trường có kết quả tốt.
Do đó, tự chủ đại học là trục xuyên suốt; tuyển sinh chỉ là một khâu. Hiện nay, các trường mới tập trung vào đào tạo, thời lượng bàn với nhau về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khời nghiệp, gắp kết đào tạo với sử dụng còn ít.
"Chúng ta phải quan niệm lấy người sử dụng lao động làm trung tâm để tạo ra sản phẩm, đưa ra sản phẩm người sử dụng không ưng, người ta phải bỏ tiền thêm ra đào tạo lại là không thành công. Sản phẩm đào tạo dù điểm giỏi, dù thủ khoa mà xã hội không dùng chính người học cũng sẽ chán nản. Đã đến lúc các trường cần thể hiện trách nhiệm xã hội, chứ không thuần túy đào tạo được bao nhiều cử nhân, thạc sĩ. Phải lấy sự phát triển bền vững, trách nhiệm cộng đồng xã hội làm mục tiêu phát triển".
Nhắc lại những giải pháp như minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng, chú trọng kiểm định chất lượng...để tiến tới các trường cạnh tranh bình đẳng về chất lượng, bộ trưởng Nhạ kêu gọi: "Chúng ta cùng nhau quyết tâm xây dựng nền giáo dục đại học trung thực, chất lượng".
Ông nhấn mạnh rằng không sợ bị chê yếu; nếu yếu thật thì nhìn thẳng vào mà sửa.
"Tôi có niềm tin chúng ta sẽ xây dựng được một nền giáo dục đại học có chất lượng, bởi chất lượng phổ thông của chúng ta không thấp, nhu cầu học đại học của thị trường hơn 96 triệu dân lớn, thị trường lao động cần rất nhiều nhân lực chất lượng, chất lượng cao, đó là yếu tố thuận lợi của đại học".
Chớm lo xét tuyển từ kết quả học bạ
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tuyển sinh đại học năm 2019 đã diễn ra sáng 17/7 đã nêu ra một số vấn đề.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy tổng chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2019 là 489.637, trong đó chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT là 341.840 (tương đương năm 2018); số chỉ tiêu theo học phương thức khác (học bạ, đánh giá năng lực, kết hợp,…) là 147.797 (tăng 36.000 so với năm 2018); chỉ tiêu khối ngành sư phạm là 46.285.
Năm 2019 có 357 trường tuyển sinh ĐH. Ảnh: Lê Thanh Hùng |
Trong các phương thức này, nổi lên vấn đề xét tuyển bằng học bạ, khi một số trường mạnh dạn mở rộng tỷ lệ tuyển thẳng tới 30% hoặc nhiều hơn. Bên cạnh đó, khi chưa có kết quả công nhận tốt nghiệp THPT, một số trường đã nhanh chóng công bố kết quả trúng tuyển của thí sinh theo cách này.
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhìn nhận "giáo dục đại học ngày càng cạnh tranh". Các trường yêu cầu thí sinh xác nhận trúng tuyển từ kết quả học bạ sớm trước thời điểm có kết quả tốt nghiệp THPT có thể khiến thí sinh mất cơ hội vào những trường khác.
Còn ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo (ĐHQG Hà Nội) nhìn nhận rằng các trường tốp trên ít xét học bạ do thiếu sự tin tưởng. Ông đề nghị cần thống kê giữa xếp loại học bạ và kết quả THPT và Bộ xem xét để đánh giá lại xem kết quả ấy có chính xác không.
Tại hội nghị,TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH đã lưu ý 5 vấn đề đối với đề án tuyển sinh của một số trường như: đề án tuyển sinh chưa chính xác về giảng viên; xác định quá nhiều tổ hợp xét tuyển; thông tin về điểm nhận hồ sơ xét học bạ của một số ngành sức khỏe không rõ ràng; thông báo kết quả xét tuyển học bạ trước khi xét tốt nghiệp THPT,…
Bộ GD-ĐT cũng khuyến cáo các trường tuyển sinh nhiều phương thức, cần xác định tỷ lệ phù hợp để đảm bảo chất lượng đầu vào; thống kê điểm thi THPTQG của các em trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển khác; so sánh điểm trung bình chung thi THPTQG của các phương thức xét tuyển khác nhau. Bên cạnh đó, cũng phải nghiên cứu so sánh chất lượng quá trình học tập, tốt nghiệp, việc làm… của các SV vào học theo các phương thức tuyển sinh khác nhau. Ngoài ra, trường phải có phương án chủ động tuyển sinh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho các năm sau.
Tổ hợp truyền thống chiếm thế "thượng phong"
Mặc dù hơn 400 trường tuyển sinh theo 133 tổ hợp, nhưng các tổ hợp truyền thống bao quát hầu hết nhu cầu của ngành đào tạo (90% nguyện vọng/5 tổ hơp).
Nguyện vọng và tổ hợp. Thống kê của Bộ GD-ĐT |
Do đó, bà Phụng cũng lưu ý các trường không nên đặt ra quá nhiều tổ hơp xét tuyển, trừ các ngành đặc thù.
Thực tế, số thí sinh đăng ký xét tuyển bằng 133 tổ hợp ngoài truyến thống là không nhiều, chỉ chiếm gần 10% nguyện vọng.
Sai phạm sẽ bị tước quyền tự xác định chỉ tiêu trong 5 năm
Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT đặc biệt nhắc nhở về trách nhiệm giải trình và các chế tài khi trường vi phạm quy chế tuyển sinh.
Bà Phụng nhấn mạnh rằng Bộ cho phép các trường tự chủ trong tuyển sinh nhưng năm nay những trường nào tuyển vượt chỉ tiêu thì nhà trường và các cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm.
Các cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý cụ thể là trừ chỉ tiêu năm tiếp sau cùng xử phạt hành chính và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo.
Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người liên quan vi phạm bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức Luật lao động cùng những mức phạt hành chính, hình sự... tùy theo mức độ lỗi.
Thanh Hùng – Thúy Nga
Biến động điểm 9 thi THPT quốc gia năm 2019
Từ dữ liệu điểm thi do Bộ GD-ĐT cung cấp, GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan, Australia đã có sự thống kê thú vị về số lượng thí sinh đạt điểm giỏi (>=9) trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 và 2019.