Sáng 11/12, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đoàn Bộ Y tế đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM
TP.HCM sẽ có trung tâm y khoa đứng đầu khu vực
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong đại hội Đảng bộ TP.HCM vừa qua có nghị quyết về đẩy mạnh 8 ngành trong đó có 4 đề án liên quan đến y tế. Trong thời gian 5 năm tới, thành phố quyết tâm xây dựng trở thành trung tâm y khoa của khu vực Đông Nam Á.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
Theo ông Phong, ước tính mỗi năm, người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh mất 2-3 tỷ USD. Trong khi đó, điều kiện về trình độ, năng lực chuyên môn cùng trang thiết bị hiện đại trong nước vẫn có thể đáp ứng điều trị.
Ông Phong dẫn chứng về trình độ tay nghề của y bác sĩ tại TP.HCM ngày càng nâng cao, điển hình là ca tách cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi đã có ê-kíp y bác sĩ được đào tạo bài bản, có nhiều người được cử đi đào tạo tại nước ngoài.
Ông Phong nhấn mạnh: “Tại sao chúng ta không có tầm nhìn xây dựng thành phố trở thành trung tâm y khoa của khu vực khi đáp ứng đủ các điều kiện”.
Ông Phong cho biết, muốn thực hiện ý tưởng nào đó trước hết phải có nhân lực. Đầu tiên, để hiện thực hóa cần phải có đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn ngang tầm quốc tế.
Hiện thành phố đã ký hợp tác kinh tế với 53 địa phương trên toàn thế giới. Vì vậy, tác động trong hội nhập kinh tế quốc tế ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của thành phố. Bên cạnh đó, ông Phong cho rằng, tiềm năng và thị trường dược tại thành phố rất lớn nên xây dựng khu công nghiệp dược cũng là một trong 4 đề án của ngành y tế. Tuy nhiên, nền công nghiệp dược của thành phố cần được đầu tư hạ tầng, tính toán lại kế hoạch sử dụng đất.
Ông Phong nhấn mạnh thành phố không phân biệt và sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện trung ương hay địa phương, tất cả nhằm mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân.
Xây dựng khu phức hợp y tế
Sau khi lắng nghe kiến nghị và đề xuất của thành phố, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao công tác truy vết, xét nghiệm, ngăn chặn không để dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, đặc biệt, liên quan đến bệnh nhân là tiếp viên hàng không vừa qua.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi làm việc
Theo ông Long, TP.HCM được xem là một trong những địa phương đầu tàu phát triển mạnh về y tế. Cụ thể, thành phố đã quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, số giường bệnh đứng đầu cả nước, tốc độ khám chữa bệnh tăng cao khi có nhiều bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế đặt tại địa bàn.
“Ngành y tế chưa bao giờ có được lòng tin của người dân như hiện nay, cụ thể là tỷ lệ khám chữa bệnh tăng cao. Điều này chứng tỏ chúng ta có sự bứt phá, đặc biệt, về việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, được người dân lựa chọn và tin tưởng”, ông Long nhấn mạnh.
Về tình hình kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế hy vọng, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống Covid-19 bên cạnh việc phát triển kinh tế.
Ông Long cũng nhất trí với ý tưởng phát triển TP.HCM trở thành trung tâm y khoa trong khu vực Đông Nam Á.
“Muốn tạo sự bứt phá bắt buộc phải có chính sách lưu động. Để biến ý tưởng này thành hiện thực thì thành phố phải có một khu phức hợp y tế có thể đặt ở thành phố Thủ Đức. Tại đây, sẽ có trường đại học, bệnh viện lớn của trung ương và địa phương”, ông Long nói.
Ông Long ủng hộ các kiến nghị của thành phố về y tế thông minh. Trong đó, đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử để công khai, minh bạch giúp người dân dễ dàng giám sát và tin tưởng. Đồng thời, mong muốn thành phố đẩy nhanh xây dựng khu công nghiệp dược.
Ông Long cũng nhấn mạnh, thời gian tới Bộ Y tế sẽ thay đổi cách chấm điểm các cơ sở khám chữa bệnh nội trú để người dân được hưởng lợi nhiều hơn.
Liên quan 4 ca nhiễm Covid-19 TP.HCM đã lấy mẫu xét nghiệm 3.888 người Đây là thông tin được ông Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo tại buổi làm việc đoàn công tác Bộ Y tế với UBND TP.HCM vào sáng 11/12. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, liên quan đến 4 ca bệnh nhiễm Covid-19 gần đây từ trường hợp tiếp viên của hãng Vietnam Airlines, thành phố đã điều tra, truy vết rộng và lấy mẫu xét nghiệm 3.888 người. Trong đó, có 861 người F1, 1.400 người F2 và 1.627 người trong cộng đồng. Tất cả các mẫu đều có kết quả âm tính. Theo ông Bỉnh, hiện thành phố có 28 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Hiện sức khỏe của tất cả các bệnh nhân ổn định, không có triệu chứng. Về tình hình tại các khu cách ly, thành phố đang cách ly tập trung 945 người, cách ly tại khách sạn cho các chuyên gia người nước ngoài 1.427 người và cách ly tại nhà 2.370 người. Trong giai đoạn qua, trên toàn thành phố đã thiết lập 38 khu cách ly tập trung với 12.738 giường. Về năng lực điều trị hiệu quả cho người mắc bệnh Covid-19, thành phố đã thiết lập hệ thống cơ sở chuyên sâu điều trị Covid-19 với tổng quy mô 2.300 giường. Hiện tại thành phố có 54 đội đáp ứng nhanh đảm bảo phát hiện, điều tra ca bệnh kịp thời và khoanh vùng xử lý dập dịch triệt để. Về hoạt động xét nghiệm tầm soát nhóm người có nguy cơ thành phố đã chủ động trang bị 120.000 bộ xét nghiệm phục vụ công tác giám sát, kiểm tra. Về tình hình kiểm tra, đánh giá mức rủi ro lây nhiễm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã thành lập 6 đoàn giám sát tại 168 đơn vị sản xuất có trên 3.000 lao động. Trong đó, đã có 6.470 công nhân được lấy mẫu xét nghiệm tại 7 khu lưu trú công nhân thuộc các khu công nghiệp trên địa bàn. Tất cả đều có kết quả âm tính. Về kế hoạch ứng phó trong thời gian tới, thành phố vẫn tiếp tục tăng cường giám sát dự phòng, xử lý ca bệnh theo chuỗi, mở rộng phương án cách ly, tăng cường nhân lực, trang thiết bị để ứng phó khẩn cấp khi có 500 ca bệnh. |
Liên Anh - Hồ Văn
Vắc xin ngừa Covid-19 tại TP.HCM trước giờ thử nghiệm
40 tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 vào ngày 10/12. Nanogen đang cân nhắc giá bán không quá 500.000 đồng mỗi liều.