Bộ Tư pháp, đơn vị chủ trì xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13 vừa đăng tải dự thảo luật này trên Cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ moj.gov.vn để lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhằm tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016.

Cùng với việc nêu rõ sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS, trong dự thảo tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015, Bộ Tư pháp cũng chỉ rõ những quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật này, đó là: Tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bắt buộc phải sửa nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của BLHS, tạo thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích của người phạm tội; Không làm thay đổi những chính sách lớn của Bộ luật đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng BLHS 2015; và việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Cũng trong dự thảo tờ trình, Bộ Tư pháp cho biết trong quá trình soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015, Bộ Tư pháp đã tổ chức các buổi làm việc với đại diện Bộ TT&TT, một trong những Bộ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước thuộc các lĩnh vực liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung BLHS lần này. Bộ Tư pháp đã tổ chức nghiên cứu nghiêm túc các ý kiến phản ánh của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TT&TT, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao liên quan đến một số điều khoản của BLHS 2015; các ý kiến phản ánh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) liên quan đến Điều 292 của BLHS năm 2015.

Một điểm đáng chú ý của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 vừa được Bộ Tư pháp đăng tải để lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị là cơ quan soạn thảo đã không xem xét kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp CNTT, các doanh nghiệp khởi nghiệp đối với việc hủy bỏ Điều 292 quy định “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”.

Cụ thể, theo dự thảo, khoản 1 Điều 292 được sửa đổi, bổ sung thành: “Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm: a) Kinh doanh vàng miếng trên tài khoản; b) Sàn giao dịch thương mại điện tử; c) Kinh doanh đa cấp; d) Trung gian thanh toán; đ) Trò chơi điện tử trên mạng;  e) Phương án 1: Liệt kê cụ thể các dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông; Phương án 2: bỏ điểm này” (Điểm e Khoản 1 của Điều 292 quy định “các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật - PV)

Dự thảo luật cũng sửa điểm đ khoản 2 Điều 292 thành: “Thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”; và khoản 3 của điều luật này được sửa thành: “Phạm tội trong trường hợp thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm”.

Trước đó, để phục vụ cho quá trình rà soát, sửa đổi BLHS số 100/2015/QH13, liên quan đến “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại Điều 292, ngày 8/8/2016, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hồi Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam đều đã gửi văn bản kiến nghị bãi bỏ Điều 292 tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan.

Trong bản kiến nghị của VINASA, Chủ tịch Trương Gia Bình nhấn mạnh: “Điều 292 BLHS 2015 đang gây tâm lý hoang mang, lo lắng và tạo thành một làn sóng phản đối mạnh mẽ đặc biệt là từ cộng đồng khởi nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp CNTT nói chung”.

Cùng với việc phân tích kỹ 9 điểm vi phạm, mẫu thuẫn và bất hợp lý của Điều 292 BLHS 2015, bản kiến nghị của VINASA cũng chỉ rõ nếu thực thi vào thực tiễn, Điều luật này sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng như: không chỉ đặt các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT mà còn đặt mọi doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện vào nguy cơ bị hình sự hoá, gây tác động cản trở hoạt động đổi mới sáng tạo, kìm hãm hoạt động khởi nghiệp công nghệ, phá hỏng những nỗ lực hiện nay của Đảng, Chính phủ và cộng đồng xã hội trong việc xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp; ảnh hưởng xấu đến hình ảnh môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của Việt Nam đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ CNTT; làm suy giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế so với các quốc gia khác trong khu vực…

Còn trong văn bản ý kiến về Điều 292, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc kiến nghị bãi bỏ Điều luật này và phi hình sự hóa các hành vi cung cấp dịch vụ không có/không đúng giấy phép đối với: Sàn giao dịch thương mại điện tử; Trò chơi điện tử trên mạng; Trung gian thanh toán; Các dịch vụ khác bao gồm trang thông tin điện tử, mạng xã hội, dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông. Bởi lẽ, theo nhận định của VCCI, Điều 292 đã hình sự hóa nhiều hành vi vốn chỉ nên xử lý hành chính, do đó sẽ tác động rất lớn đến việc kinh doanh các dịch vụ trên mạng tại Việt Nam hiện nay.

Đặc biệt, với điểm e Khoản 1 Điều 292, VCCI cho rằng sử dụng cụm từ “các loại dịch vụ khác” là không phù hợp vì sẽ cho phép các bộ ngành có thể quy định thêm “tội mới” trong BLHS, mỗi khi ban hành thêm một quy định yêu cầu một loại dịch vụ trên mạng nào đó phải xin cấp phép. Ví dụ, các dịch vụ thư điện tử, dịch vụ lưu trữ, dịch vụ tìm kiếm, tra cứu, dịch vụ giải trí như xem phim, nghe nhạc… Nếu Bộ ngành nào quy định thêm các dịch vụ này phải xin phép thì đồng nghĩa với việc mở rộng các hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, VCCI cũng nhận định, Điều 292 không phù hợp với cách thức kinh doanh trong lĩnh vực thông tin, đặc biệt là các dịch vụ mới, các start-ups.

BLHS 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10 tổ chức vào tháng 11/2015, đã được công bố và thời điểm bộ luật này có hiệu lực là từ ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, vào ngày 29/6/2016, Quốc hội khóa XIII đã ra Nghị quyết 144 về việc lùi hiệu lực của Bộ luật Hình sự năm 2015 và 3 đạo luật liên quan. Quốc hội cũng đã quyết nghị bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và dự kiến trình Quốc hội khoá XIV tại kỳ họp thứ hai. Nghị quyết nêu rõ: Lùi hiệu lực thi hành 4 bộ luật trên từ ngày 1/7/2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành, trừ một số quy định có lợi cho người phạm tội.