- Yêu cầu Đà Nẵng hủy quy định cấm nhập cư, Bộ Tư pháp cho hay không có bất kỳ quy định nào cho phép HĐND cấp tỉnh thẩm quyền “tạm dừng” hiệu lực của luật Cư trú để từ đó tước đoạt hay ngăn cản việc hưởng quyền lợi hợp pháp của công dân.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp vừa có văn bản gửi đến HĐND thành phố Đà Nẵng cho ý kiến về Nghị quyết số 23 với một số điểm nội dung gây tranh cãi, trong đó đáng chú ý là quyết định tạm dừng nhập cư.

Về quyết định tạm dừng nhập cư, Cục Kiểm tra văn bản chỉ rõ: Theo quy định của luật Cư trú và nghị định hướng dẫn thi hành, công dân có đủ các điều kiện như có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú tại thành phố đó liên tục từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ mà người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản thì đủ điều kiện để đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Tư pháp yêu cầu Đà Nẵng tự xử lý, hủy bỏ quy định cấm nhập cư ngay tại kỳ họp HĐND tới đây

Trong khi đó, nội dung của điểm 9 khoản III điều 1 Nghị quyết số 23 lại quy định “tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự”.

Đà Nẵng khi ra quyết định trên cho rằng đã căn cứ vào luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, pháp lệnh Dân số năm 2003, luật Cư trú năm 2006, cũng như xuất phát từ thực tế yêu cầu quản lý dân cư trên địa bàn thành phố, để "thông qua biện pháp quản lý cư trú như đã nêu tại Nghị quyết số 23… là phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế địa phương”.

Trước lý giải của Đà Nẵng, Cục Kiểm tra văn bản cho hay, căn cứ các quy định của luật Tổ chức HĐND và UBND, luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, luật Cư trú, cho thấy, các luật đã dẫn không có bất kỳ quy định nào cho phép HĐND cấp tỉnh thẩm quyền tạm ngưng hiệu lực của Luật Cư trú để từ đó tước đoạt hay ngăn cản việc hưởng quyền lợi hợp pháp của công dân đã được Quôc hội (bằng luật) trao cho họ.

"Luật do Quốc hội ban hành phải được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất trong phạm vi toàn quốc (ở 63 tỉnh, thành). Việc tạm ngưng hiệu lực của luật (tạm dừng giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của công dân do luật định) nếu có, phải do Quốc hội quyết định" - văn bản do Cục trưởng Lê Hồng Sơn ký nêu rõ.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật dẫn kinh nghiệm của hai thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM về quản lý nhập cư, thì Chính phủ cũng chỉ “siết chặt” nhập cư thông qua quy định về diện tích tối thiếu là 5m2 sàn/người mà không loại trừ các trường hợp “chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự” như quy định của HĐND thành phố Đà Nẵng.

Trên cơ sở phân tích, Cục đề nghị HĐND thành phố Đà Nẵng tự kiểm tra, hủy bỏ các nội dung về tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú và yêu cầu nội dung trái pháp luật của Nghị quyết số 23 phải được HĐND thành phố Đà Nẵng tự xử lý, hủy bỏ ngay tại kỳ họp tới đây của HĐND.

L.Thư