Theo đó, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đề nghị các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt tinh thần chống dịch mức độ cảnh giác cao nhất, không được chủ quan, lơ là.

Đồng thời, gắn trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, chỉ đạo thực hiện quản lý chặt chẽ những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam.

Các cơ quan cần tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định cách ly tập trung, bàn giao sau kết thúc cách ly và quản lý sau cách ly tập trung tại nhà, nơi lưu trú và các văn bản liên quan khác về quản lý người xuất nhập cảnh.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được yêu cầu chỉ đạo thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung ít nhất 14 ngày đối với người nhập cảnh theo các quy định hiện hành; quản lý, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo sau khi kết thúc cách ly tập trung.

Bên cạnh đó, rà soát cơ sở vật chất tại các khu cách ly tập trung, đảm bảo giám sát chặt chẽ người được cách ly. Khu cách ly tập trung phải có đủ camera để giám sát người cách ly thực hiện phòng chống dịch theo quy định. Camera cần hoạt động liên tục, kết nối với hệ thống giám sát do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định.

Bộ Y tế cũng đề nghị chỉ đạo chấn chỉnh việc tổ chức bàn giao, đưa đón và tiếp nhận người đã hoàn thành cách ly tập trung về nơi lưu trú.

Người sau khi hoàn thành cách ly tập trung phải cam kết thực hiện các nội dung sau:

+ Áp dụng các biện pháp phòng chống dịch và tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú đồng thời phải chủ động thông báo cho cơ quan y tế địa phương nơi lưu trú biết ngay khi trở về từ khu cách ly tập trung.

+ Phải sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát việc thực hiện phòng chống dịch trong suốt thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú.

+ Phải thực hiện việc khai báo sức khỏe hàng ngày cho cán bộ y tế địa phương. Nếu có các dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở, mệt mỏi, ớn lạnh, mất vị giác chuyển ngay đến cơ sở y tế để được hướng dẫn quản lý kịp thời theo quy định.

+ Không được ra khỏi nhà, nơi lưu trú; nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà, nơi lưu trú để làm việc hoặc thực hiện các công việc cần thiết khác thì phải báo cho công an, y tế địa phương và thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K (khẩu trang - khoảng cách - không tập trung - khử khuẩn - khai báo y tế) của Bộ Y tế; không tụ tập, đến nơi đông người.

+ Trường hợp cần thiết phải di chuyển tới địa phương khác thì cơ quan, đơn vị tiếp nhận chuyên gia (đối với chuyên gia) hoặc công dân Việt Nam phải báo trước cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố nơi lưu trú để thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố nơi đến tiếp tục quản lý, theo dõi sức khỏe theo quy định.

+ Phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 (tính từ ngày kết thúc cách ly tập trung). Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, tiếp tục theo dõi sức khỏe theo quy định cho đến khi đủ 14 ngày; nếu kết quả xét nghiệm dương tính, cách ly ngay tại cơ sở y tế theo quy định.

Sở Y tế tỉnh, thành phố có nhiệm vụ chỉ đạo cơ quan y tế địa phương giám sát, theo dõi sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người sau khi hoàn thành cách ly tập trung theo quy định.

Đồng thời, tăng cường hoạt động của các Tổ Covid-19 cộng đồng, huy động Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội theo dõi, giám sát việc thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch đối với người đã kết thúc cách ly tập trung về nơi lưu trú trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh, thành phố cần thường xuyên kiểm tra công tác thực hiện cách ly tập trung ít nhất 15 ngày/ lần/cơ sở.

Nguyễn Liên

4 ca hết cách ly mắc Covid-19, cảnh báo lỗ hổng xét nghiệm

4 ca hết cách ly mắc Covid-19, cảnh báo lỗ hổng xét nghiệm

Chuyên gia cho rằng cần xem xét lại kỹ thuật lấy mẫu, đây là khâu quan trọng nhất quyết định kết quả xét nghiệm Covid-19.