Lần đầu tiên, một trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Kon Tum tổ chức tuyển chọn học sinh vào lớp 1 bằng hình thức bốc thăm. Lá thăm khiến “kẻ khóc, người cười” nhưng lại khách quan, minh bạch.

Không chỉ con cháu thầy cô giáo trong trường bị “trượt” mà kể cả con em một số thầy cô giáo hiện công tác tại Sở GD-ĐT và ngành giáo dục Kon Tum cùng chung số phận - một cán bộ Sở GD-ĐT cho biết.

{keywords}

Lá thăm tuyển sinh - Ảnh: T.T.N

Thao thức chờ bốc thăm

Hàng trăm phụ huynh trên địa bàn TP Kon Tum đến từ sáng sớm tinh mơ 28-5 chầu chực trên khu vực đường Trần Hưng Đạo, TP Kon Tum để hồi hộp dõi theo và chờ nghe xướng tên việc bốc thăm may rủi cho con em mình vào lớp 1 Trường tiểu học Thực hành sư phạm Kon Tum, dưới sự giám sát chặt chẽ của “tổ giám sát” do Sở GD-ĐT Kon Tum lập.

Theo danh sách có 318 em đăng ký vào học trường này năm học 2013-2014, tuy nhiên năm nay nhà trường chỉ lấy 210 chỉ tiêu. Trong khuôn viên nhà trường, nét mặt đầy căng thẳng, thầy giáo Nguyễn Văn C. - đang công tác tại một trường trung học phổ thông trên địa bàn TP Kon Tum - buồn rầu khi nghe con của mình bị “trượt” vì lá phiếu đầy may rủi. “Không hi vọng gì nữa, gia đình đành phải nộp đơn vào trường khác thôi” - thầy C. chia sẻ.

Khác với thầy C., chị Trần Thị Hà ngụ tại P.Quyết Thắng hồ hởi bởi qua kết quả bốc thăm con của chị đã giành chiến thắng. “Suốt cả đêm qua không riêng gì tui mà cả gia đình đều thao thức không ngủ được, cứ mong sao trời chóng sáng để đi bốc thăm cho con và nay con mình được xướng tên trúng tuyển mừng lắm chứ!” - chị Hà cho biết.

"Đến kỳ tuyển sinh xảy ra tình trạng số lượng học sinh đăng ký quá nhiều, có những phụ huynh canh để chờ mua hồ sơ lúc nửa đêm, diễn ra cảnh chen lấn, xô đẩy... tạo áp lực lớn cho nhà trường. Không còn cách nào khác sở có chủ trương tổ chức bốc thăm"

Ông Võ Xuân Thủy

Ngay sau khi khai mạc buổi bốc thăm tuyển sinh, mỗi phụ huynh nhận một lá thăm và được yêu cầu điền các thông tin của con mình như họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, họ tên cha mẹ... sau đó bỏ vào thùng phiếu (thùng phiếu được chia ra hai ngăn nam - nữ). Hội đồng tuyển sinh đề cử giới thiệu một giáo viên và một vị đại diện ban cha mẹ học sinh của trường (đã có con học các lớp trước đó), hai người này được sự đồng ý của tất cả phụ huynh có mặt để đứng ra bốc thăm, sau mỗi lần bốc thăm hòm phiếu lại được xáo trộn. Kết quả được công khai ngay tại chỗ cho các bậc phụ huynh cùng nghe, cùng giám sát.

Công bằng, công khai, minh bạch

Ông Võ Xuân Thủy - trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Kon Tum - cho biết vài năm trước đây tại Trường mầm non Thực hành sư phạm Kon Tum khi đến kỳ tuyển sinh thường xảy ra tình trạng số lượng học sinh đăng ký quá nhiều, có những phụ huynh canh để chờ mua hồ sơ lúc nửa đêm, diễn ra cảnh chen lấn, xô đẩy... tạo áp lực lớn cho nhà trường. Không còn cách nào khác sở có chủ trương tổ chức bốc thăm. Qua theo dõi thấy các bậc phụ huynh tâm lý rất thoải mái, vui vẻ, hồ hởi vì tính công khai, minh bạch, mọi người đều bình đẳng như nhau, không hề có phân biệt, nhất là tránh sự thân quen, nể nang, xin xỏ...

Trường tiểu học Thực hành sư phạm Kon Tum là trường duy nhất trực thuộc Sở GD-ĐT Kon Tum, thành lập nhằm dành cho sinh viên Trường CĐ Sư phạm đến thực tập. Hiện Sở GD-ĐT đang tiến hành xây dựng trường tiểu học này thành trường chất lượng cao vào năm học 2014-2015. Theo ông Thủy, đây là trường tuyển sinh trên phạm vi toàn TP Kon Tum nên nhiều bậc phụ huynh nộp hồ sơ để chờ vào lá phiếu may rủi. Trước lúc tổ chức, sở đã tham khảo ở nhiều tỉnh thành và đã nhiều lần thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Thủy cho rằng nhiều bậc phụ huynh đã bằng mọi cách xin bằng được cho con vào trường này là do “tâm lý số đông”, còn về chất lượng giảng dạy và đội ngũ giáo viên cũng tương đồng các trường khác trên địa bàn TP Kon Tum.

Những ngày này, không riêng gì Trường tiểu học Thực hành sư phạm Kon Tum mà các trường Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Lê Hồng Phong..., việc tuyển sinh vào lớp 1 cũng diễn ra hết sức căng thẳng, số lượng học sinh đăng ký rất đông, ngoài khả năng tiếp nhận của nhà trường.

(Theo Trần Thảo Nhi/ Tuổi Trẻ)