Mùa thu năm ấy, sau khi hoàn thành lớp sỹ quan dự bị, tôi tranh thủ về thăm nhà mấy ngày để chuẩn bị chuyến vào Nam công tác. Trước ngày tạm biệt người thân để lên đường. Mẹ và mấy em tôi hì hục giã gạo, (thời điểm ấy nhà tôi làm hàng xáo - nghề mua lúa về xay xát cho ra thành phẩm rồi đem bán lấy công lấy lời) để kịp phiên chợ ngày mai.
Đêm hôm ấy, hình như mẹ không chợp mắt. Thấy mẹ cứ đi ra đi vào, thỉnh thoảng lại nghe tiếng lục cục ở trong bếp, tôi biết chắc là mẹ đang chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà. Mới canh ba, mẹ đã giục: “Con dậy ăn một chút rồi cùng mẹ gánh gạo vào chợ Cầu” (chợ nằm ngay phố huyện cách nhà chừng 15 cây số). Vì còn tỉnh như sáo nên tôi nhanh nhảu trả lời:
- Còn sớm mà mẹ? Mẹ bảo: “Sớm gì nữa, dậy đánh răng, rửa mặt, ăn sáng, rồi đi là vừa”.
Tôi vùng dậy cùng mẹ ăn qua quýt bát cháo mà mẹ đã chuẩn bị từ tối qua, rồi quàng gánh đi một lèo. Lúc này trời còn tối như bưng. Những làn sương trắng vắt qua mái nhà, bay nghiêng nghiêng trong ngõ nhỏ, mang theo làn hơi lành lạnh nhẹ tênh.
Giờ này xóm làng còn đang yên giấc. Chó nhà ai đó cứ sủa liên hồi mỗi khi nghe tiếng động. Theo lối tắt, qua mấy quãng đồng. Mặt đường trơn, đất đá lởm chởm, có chỗ còn nguyên cả vũng nước bởi trận mưa ngâu chiều qua. Mé bờ ruộng, tiếng ếch nhái kêu nghe não cả ruột.
Hai mẹ con vừa đi vừa thủ thỉ chuyện nhà, chuyện họ hàng, chuyện xóm. Thỉnh thoảng mẹ lại nói: “Khi nào thấy mệt để mẹ thay cho”. Thực tình đã lâu rồi tôi không gánh, đôi vai đau nhừ, hai chân bủn rủn, nhưng vẫn cố lên giọng:
- Không sao đâu, thanh niên gánh từng này ăn thua gì. Vừa ngắt lời, mẹ liền một mạch: “Đừng cậy sức trẻ, làm việc gì cũng phải giữ gìn sức khỏe. Vào trong ấy một thân một mình chả ai chăm sóc cho đâu. Nhớ dạy dỗ cho tử tế, đói cho sạch, rách cho thơm con ạ!”. Tôi đành an ủi: “Mẹ yên tâm, con sẽ cố gắng”.
Gần đến nơi, mặt trời cũng vừa thức dậy, tỏa những tia nắng xuống mặt đất. Lúc này người đến chợ ngày càng đông. Ai cũng hối hả tìm cho mình một vị trí tốt nhất. Tiếng người mua, kẻ bán, tiếng người cười nói rôm rả tạo nên một âm thanh rộn ràng, náo nhiệt.
Đặt gánh gạo vào chỗ mẹ thường ngồi. Thực tình từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ có dịp vào chợ Cầu. Đúng là chợ phố huyện có khác, đủ mọi mặt hàng được bày bán. Giữa chợ là hàng chục sạp tạp hóa. Nào kim chỉ, gương lược, giấy vở, … cho đến bóng đèn, ấm chén, phích nước, thứ gì cũng có. Quần áo may sẵn bày la liệt cho người mua dễ nhìn, dễ chọn. Phía cuối là khu bán gạo, ngô, đậu, mấy người buôn chuyến mua gom để chở ra thị xã. Góc chợ là nơi bán gia súc. Những chú lợn con bị nhốt trong rọ, nhếnh mõm ngó người mua. Đàn gà nhớn nhác trong lồng nhìn cảnh lạ. Xế sang gốc bên này là hàng rau quả. Thôi thì đủ loại cây nhà lá vườn….
Gần 2 tiếng đồng hồ, mặt trời lúc này đã lên cao, chợ dần vãn, nhưng khổ nỗi số gạo vẫn còn hơn một nửa. Chờ lâu thấy nóng ruột, tôi liền dứt khoát: “Con phải đi ngay, không thì lỡ chuyến xe mất”.
Hồi ấy xe cộ hiếm lắm, chỉ ra Vinh thôi cũng phải chờ mất cả buổi. Đang định quàng túi xách lên vai, mẹ nhìn tôi, rồi nói như van xin: “Con ráng chờ thêm một chút nữa”. Sợ mẹ buồn nên tôi đành ngồi lại. Rất may sau đó có khách quen đã mua hết số gạo còn lại. Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Khuôn mặt mẹ tươi tỉnh hẳn ra, rồi mẹ bảo: "Con ngồi đó chờ mẹ một chút”. Một lúc sau thấy mẹ cầm về một túi và cho tôi hay: “Đây là bánh đúc chợ Cầu ngon lắm con ạ, mang theo mà ăn kẻo đói dọc đường”. Rồi mẹ lần giở chiếc túi vải giắt ở lưng quần ra, dúi vào tay tôi một bọc tiền, nhẹ nhàng bảo: “Con cầm lấy mà phòng thân”.
- Sao mẹ cho nhiều thế, con không cầm đâu (tôi thì thào). Sợ tôi từ chối nên mẹ nói như ra lệnh: “Có nhiều nhặn gì, toàn là tiền lẻ đó mà, gánh gạo hôm nay cũng chỉ có ngần ấy thôi con ạ!”.
Chia tay mẹ, tôi không dám ngoái nhìn lại, vội vàng lao ra đường quốc lộ để kịp chuyến tàu ngày mai. Trên đường đi, hình ảnh về mẹ cứ ám ảnh tôi mãi. Thương mẹ, tôi không sao cầm được nước mắt. Chẳng biết giờ này mẹ đã về đến đâu rồi?
Nguyễn Kim Anh
Ngày tôi 'đi B' và món quà mẹ dúi vội vào tay lúc tàu chuyển bánh
Lúc tàu bắt đầu rùng rùng chuyển bánh, tôi nhảy từ sàn tàu xuống lòng đường ôm chầm lấy mẹ. Mẹ xiết lấy tôi, oà khóc.