15/1, thị trường chứng khoán (TTCK) chính thức nới biên độ giao dịch. Đây là bước đầu tiên trong hàng loạt giải pháp hỗ trợ CK. Với sự hứng khởi trong hai tuần qua, những điều chỉnh mới được kỳ vọng tạo ra “bom” cho chứng khoán. Tuy nhiên, tất cả đang thấp thỏm chờ không biết bom nổ hay xịt.
Từ sáng 15/1, biên độ giao dịch trên HOSE là 7% và và 10% trên HNX. Đây là một trong 8 biện pháp được UBCK nhằm hỗ trợ hồi phục TTCK năm 2013.
Trong lịch sử, chứng khoán đã 9 lần nâng lên hạ xuống biên độ giao dịch trên hai sàn nhằm điều tiết thị trường, tăng tính thanh khoản hay kiềm chế sự lao dốc giá cổ phiếu. Trong 9 lần thay đổi biên độ 12 năm qua (trong đó có đến 4 lần diễn ra trong năm 2008), có 3 lần điều chỉnh giảm và 6 lần điều chỉnh tăng. Các cơ quan quản lý thường sử dụng biện pháp giảm biên độ khi thị trường sụt giảm mạnh, trong khi nới biên độ khi thị trường lạc quan.
Lần này, biên độ được nới mạnh từ 5% lên 7% trên sàn HOSE và 7% lên 10% trên sàn HNX trong bối cảnh cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index tăng khá mạnh mẽ trong 2-3 tuần qua. Thị trường đang lạc quan về một loạt các biện pháp hỗ trợ được đưa ra và song song cùng với biện pháp hỗ trợ vĩ mô của Chính phủ và sự kém hấp dẫn của các kênh đầu tư khác như BĐS, vàng, tiết kiệm…
Phản ứng tích cực là không ít, nhưng cũng có khá nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại thị trường có thể rơi vào tình trạng giảm sâu khi biên độ mới rộng hơn được áp dụng trong bối cảnh thực tế nhiều DN vẫn chìm ngập trong khó khăn và có không ít cổ phiếu kém chất lượng còn đang trôi nổi trên sàn.
Nhìn lại tác động của các lần mở rộng biên độ gần đây cho thấy, biện pháp này thường tạo sự hưng phấn trong một vài tuần trước và sau thời điểm này. Tuy nhiên, sau đó, các chỉ số bắt đầu tạo đỉnh ngắn hạn và rơi vào xu hướng giảm điểm nếu tình vĩ mô của nền kinh tế, hoạt động DN không được cải thiện thực sự. Vì thế, nới biên độ được xem như con dao hai lưỡi.
Thực tế TTCK trong phiên giao dịch ngày 14/1 - một phiên trước khi biên độ mới được áp dụng, nỗi lo đã được phản ánh ở diễn biến trong phiên. Áp lực chốt lời cùng với sự lo sợ thị trường có thể giảm sâu đã khiến đa số các cổ phiếu blue-chips giảm giá mạnh. Dù lực mua vào cũng khá mạnh nhưng chung cuộc chỉ số VN-Index vẫn giảm 0,8% (VN30 giảm 1,52%). Các mã lớn như BVH, MSN, VCB… đều giảm điểm.
Đi tìm sự căn cơ
Đánh giá về gói 8 giải pháp thúc đẩy phát triển TTCK, đa số các chuyên gia đều cho rằng đây là bước đi cần thiết có thể giúp tháo gỡ sự bế tắc cho một thị trường. TTCK phục hồi và đây là một trong những nguồn lực giúp giải quyết bài toán nợ xấu, giúp các doanh nghiệp có thể hút được vốn, vượt qua khỏi khủng hoảng, tạo đà cho kinh tế phát triển.
Một điều đáng chú ý là các giải pháp này đang nhắm tới tháo gỡ khó khăn cho các DN niêm yết ở một số khía cạnh như tìm nguồn vốn cho DN như được phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, phát hành trái phiếu, khuyến khích vốn nước ngoài…
Tuy nhiên, điều nhiều người lo ngại là quá trình tái cấu trúc TTCK dường như đang diễn ra chậm chạp. Nhiều biện pháp căn bản chưa được áp dụng và nếu thị trường tăng mạnh trở lại rất có thể các mục tiêu dài hạn này lại bị bỏ quên.
Niềm tin trên TTCK là một điều quan trọng nhất. Trong khi, cái để xây dựng lên niềm tin lại nằm chính ở uy tín của các cơ quan quản lý, chất lượng của hàng hóa trên sàn, uy tín của các thành viên của thị trường là các CTCK… dường như chưa được quan tâm đúng mức.
Công bằng mà nói, trong 7-8 tháng vừa qua, thị trường đã đón nhận khá nhiều thông tư, quy định… cụ thể quản lý hoạt động của các CTCK, các DN niêm yết. Mặc dù vậy, trên thực tế, quá trình thanh lọc các thành viên yếu kém, các DN kinh doanh thua lỗ, sai phạm liên tục… diễn ra không như mong muốn. Các hành vi sai phạm trên thị trường vẫn diễn ra phổ biến, DN không công bố đầy đủ thông tin, cổ đông mua chui bán lén, dấu hiệu bán không vẫn còn ở một số cổ phiếu nóng… Trong một môi trường như vậy, động thái điều chỉnh biên độ có thể vẫn có những rủi ro.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp tăng tính thanh khoản được chờ đợi nhiều như T+2, T+0 dù khó nhưng không phải không làm được. Việc áp dụng biên độ lớn hơn cũng là điều được nhiều người quan tâm, và nó mang tính thị trường hơn. Nhưng việc thay đổi quá nhiều lần biên độ như vậy, khi nóng thì mở ra, nguội thì thu hẹp vào chưa hẳn đã là điều tốt. Nó cũng cho thấy tình trạng thiếu giải pháp phát triển thị trường.
Về dài hạn, TTCK đang cần những một cách thức phát triển bài bản và có hệ thống hơn. TTCK phải là kênh đầu tư trung và dài hạn, không nóng lạnh bất thường mang đầy tính đầu cơ như trong nhiều năm qua.
Trong thời gian vừa qua, không ít các tổ chức, các nhà đầu tư cá nhân đã quan tâm tới những cổ phiếu cơ bản tốt, kết quả kinh doanh ổn định trong nhiều quý, năm liền. Các cổ phiếu này vẫn tăng giá khá đều đặn cả trong thơi gian toàn thị trường đi xuống. Nhưng vài tuần gần đây khi mà thị trường “nóng” trở lại, hàng loạt các cổ phiếu “lởm” đang có dấu hiệu tăng bất thường. Đây rất có thể lại là một giai đoạn đầu mới của một sự bất ổn, bất chấp các chính sách điều tiết kinh tế đều đang theo hướng phát triển kinh tế ổn định.
Khi tâm lý thị trường bị ảnh hưởng, rất có khả năng cổ phiếu lại đồng loạt rơi vào tình trạng giảm quá đà, có lợi cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài vào thâu tóm các cổ phiếu tốt. Vai trò sàng lọc, phân loại cổ phiếu, sàng lọc nhà đầu tư… của cơ quan quản lý thị trường và sự ổn định trong các chính sách xem ra rất quan trọng.
Các tín hiệu đang cho thấy vĩ mô tiếp tục có chuyển biến tích cực, Chính phủ đã nhận ra được những điều yếu cần khắc phục như nợ xấu, tín dụng bế tắc, sản xuất đình trệ… Nhưng, ở đâu đó vẫn có những điểm được lưu tâm như chỉ số giá có thể tăng; áp lực thoái vốn của các DNNN; quỹ đầu tư nước ngoài có thể bán ra cân bằng quỹ; tâm lý bầy đàn còn phổ biến… khiến cho kỳ vọng về bùng nổ chứng khoán chưa hẳn như mong đợi.
Mạnh Hà