- Sống và làm việc offline, như trả lại được cả phần hồn lẫn phần xác cho con. Các cháu ngoan hơn, làm kịp nhiều hơn, “tâm hồn” hơn, khỏe hơn, không còn vẻ đù đờ, quáng gà (như thời tự giam vào “tam giác quỷ”: tivi, máy tính, e-Phone).


Một người mẹ Australia, Susan Maushart, tiến hành nghiên cứu về tác động của trường điện từ gây bởi ti vi, máy tính, điện thoại di động (ĐTDĐ)… lên ba đứa con đang qua ngưỡng tuổi teen của mình.

Quyết định “cắt điện” toàn bộ các thiết bị này trong nhà mình trong vòng sáu tháng, bốn mẹ con đã cùng vượt qua những bất tiện ban đầu, để tìm thấy một cuộc sống mới, yên lành hơn. Susan Maushart đã viết về trải nghiệm này trong cuốn sách dày 280 trang: “Một mùa đông không kết nối” (The Winter of Our Disconnect).

Khi sách và chó mèo thay cho “chuột” trong gia đình Maushart.

Ngày đầu không trực tuyến

Cái gia đình nhỏ rộn lên bởi những thưởng thức mới về âm nhạc, giao lưu với nhau rồi…  đi ngủ sớm.

Nhưng cô út Sussy, 14 tuổi quyết định sang nhà bạn chơi, ngủ đêm lại đó, vì nó không hạnh phúc với chế độ sinh hoạt mới.

Rạng sáng hôm sau, tôi thức dậy, như trong một không gian thiền, tĩnh lặng vô cùng. Không có tiếng om sòm của tivi, không có tiếng “bắn” chíu chíu, bùm bùm của trò chơi online thường vang vọng từ phòng Bill. Không tiếng chuông điện thoại di động hoặc tiếng chít chít gửi tin nhắn liên hồi trên máy ePhone. Chỉ có tiếng chim hót ngoài vườn…

8h tối, chị cả Anni (18 tuổi) cùng bạn về nhà. Cười vang, Anny bảo đã “sởn gai ốc” (creepy) khi thấy tôi và Bill (con trai – 15 tuổi) đang ăn cơm tối với nhau. Giờ này trước kia, Bill thường miệng húp món ngũ cốc ăn nhanh (cereal) hoặc mì tôm, đầu cắm  vào trò chơi điện tử như Nintendo DS.

Tôi viết bài báo đầu không dùng tới máy tính và mạng. Tôi nhớ Microsoft Window và Google vô cùng…

Tôi tranh luận om sòm với Anni về bát đĩa bẩn và phong cách tiểu thư của nó. Anni cho rằng cuộc Thí nghiệm (từ bỏ tiện nghi kỹ thuật số trong nhà) của tôi đã làm cho mọi thứ hỗn độn, bất thường, vỡ kế hoạch. Nhưng Anni lại chịu mang Bill cùng đi xem phim ở rạp. Lần cuối cùng chúng cùng đi xem xinê thuộc về thế kỷ trước.

Không còn ĐTDĐ, Bill mất phương tiện để nhắn những tin như “lỡ xe buýt rùi”, “rủi wá, lầm bến xe”. “kẹt 15 ph”… Và nó luôn xuất hiện đúng giờ, như những người đàn ông ngày xưa, trước thời đại vi tính…

Tháng thứ hai

Chị cả Anny lăn vào bếp. Nó làm các món bánh quy cho gia đình và khách uống trà. Anny nói sẽ viết một cuốn sách về nấu ăn dựa trên kinh nghiệm của mình, và bắt đầu thảo những thực đơn. Tôi kinh ngạc nhận thấy chữ của Anny thật là đẹp.

Bill đã tìm lại được chiếc Sacxophone từ tủ đồ chơi cũ, và tặng lại gia đình nhỏ những giây phút tuyệt vời, khi nó chơi bản "Mùa hè" sau giờ ăn tối.

Bill nay bận rộn trên thứ bàn phím khác. Nó lại chơi các bài nhạc cổ điển trên pianô, thay cho các trò chơi điện tử “Không chiến”, “Cao bồi không gian”… Và lại nói về triển vọng trở thành nhạc sĩ như hai năm trước đây, trước khi nó chìm vào các trò chơi trên mạng. Khi đó nó quyết liệt như một “sát thủ” online, còn âm nhạc thì bị bắn rụng đâu đó, ở chốn chân trời.

Sống và làm việc offline, như trả lại được cả phần hồn lẫn phần xác cho con. Các cháu ngoan hơn, làm kịp nhiều hơn, “tâm hồn” hơn, khỏe hơn, không còn vẻ đù đờ, quáng gà (như thời tự giam vào “tam giác quỷ”: ti vi, máy tính, e-Phone).
Cô út Sussy đã không đòi đi ngủ nhà bạn, sau khi nhận thấy (không có Internet, ti vi) nhưng “ở nhà không đến nỗi nào”. Nó đã dẹp bỏ các trò chống đối để buồn ngủ díp mắt mỗi tối như một đứa trẻ bình thường. Cháu trở thành một cô bé khác, với cung cách ăn ngủ, tích luỹ năng lượng, cư xử hoàn toàn thay đổi, sau khi thoát khỏi những bộ phim trên TV lúc nửa đêm và những cuộc chat online không kỳ hạn.

Rời bỏ nhu cầu cập nhật và chia sẻ mọi thứ trên mạng trong “thời gian thực” của cuộc sống ảo, chúng tôi chuyển dần sang “một cuộc sống thực”, như cách dùng từ của Bill.
Rõ nét xu thế rời khỏi pháo đài bất khả xâm phạm (để truy cập một mình ) là các buồng riêng, để quây quần trong các không gian chung của ngôi nhà như phòng khách, ngoài vườn...

Tháng thứ ba

Phòng khách với các tạp chí, sách, tranh ảnh hội hoạ, nhạc cụ... trở lại là nơi giao lưu xuyên thế hệ, nơi cả nhà tái sum họp với nhau. Trật tự “thế giới cũ” là ai ngồi trong phòng người ấy, bận gõ phím máy tính, nhắn tin qua e - Phone, xem chương trình TV chỉ mình thích, chơi game…

Từ chỗ cho rằng sống offline sẽ buồn tẻ, bọn trẻ bắt đầu hiểu rằng khi cuộc sống của chúng ta bị chăn dắt bởi truyền thông, mọi thứ mới thực sự làm ta mệt mỏi.

Các tháng tiếp theo

Tới họp phụ huynh ở trường Út Sussy, tôi khám phá con mình trong tư thế viết bài “bằng tay” thật đáng yêu, trong thư viện. (Trước kia, nó thường nằm ra mà viết, xung quanh hỗn độn những Coca và bim bim, tay múa như điên trên bàn phím).

Các thày cô đều nói về những “cải thiện đáng kể” trong học hành của Sussy, nếu xem sổ thì chỉ 2 tuần sau khi Thực nghiệm của tôi bắt đầu.

Ở nhà, ngày một đông khách hơn. Nhiều trẻ đến chơi xin ngủ lại hơn. “Khách khứa” đều biết ý không đem theo hoặc nói về laptop hoặc game mà mang sách, nhạc cụ… và hăng hái thảo luận về “cuộc sống thực”.

Truyền tay nhau đọc sách và cùng xem tranh ảnh nghệ thuật “thực”, không gửi cho nhau qua mạng, làm cho các cuộc thảo luận như hứng thú hơn. Xuất hiện thời gian để đọc sách, ngắm tranh nghệ thuật, không còn vừa chơi với thú nhà nuôi vừa nghe điện thoại. Có nhiều thời gian tập đàn, Bill ngày một tấn tới hơn về âm nhạc…

Có “kiêng”, có lành.

Sống và làm việc offline, như trả lại được cả phần hồn lẫn phần xác cho con. Các cháu ngoan hơn, làm kịp nhiều hơn, “tâm hồn” hơn, khỏe hơn, không còn vẻ đù đờ, quáng gà (như thời tự giam vào “tam giác quỷ”: ti vi, máy tính, e-Phone). Giải phóng được nhiều sức lực, nhiều thời gian hơn trước. Chẳng hạn, Bill đã đăng ký luyện tập bóng đá. Ngày sinh nhật, cháu được tặng sách đẹp, thay cho một bộ trò chơi điện tử mới nhất.

Nhìn lại 6 tháng thực nghiệm ngắt bỏ mọi tiện ích thông tin ở nhà, các cháu đều hoàn thành bài vở, thi cử hiệu quả hơn, nhanh hơn, biết tập trung tư tưởng hơn. Trên một tiến trình chậm, nhưng chắc, đã định dạng kỹ năng suy luận lô gích và khả năng tư duy vừa tập trung cao độ, vừa vượt lên tầm của vấn đề cụ thể (ý nói giải phóng khỏi thói quen mà Việt Nam gọi là đơn thuần sao chép/copy and paste)…

  • Lê Đỗ Huy (lược dịch)