Khi DN truyền hình Internet đầu tư sản xuất phim

Trong báo cáo quý 3/2017, Netflix cho biết sẽ đầu tư từ 7-8 tỷ USD cho phần nội dung bản quyền vào năm 2018. Như vậy, con số đầu tư vào nội dung của Netflix liên tục tăng theo từng năm, nếu như trong khi quý 4 năm ngoái, công ty đã chi 6 tỷ USD vào phần nội dung và năm 2015 là 5 tỷ USD. 

Mặc dù biểu đồ doanh thu và tổng chi phí sản xuất mà Netflix đã đưa ra - có thể thấy rằng chi phí sản xuất dành cho nội dung gốc đang là yếu tố làm làm tăng tổng chi phí và câu hỏi được đặt ra là Netflix có đang “vung tay quá trán” hay không? Câu trả lời là không, khi mà chi phí mua phim bản quyền hay tự sản xuất đều không hề rẻ, đối với những nội dung gốc (nội dung chiếu đầu tiên). 

Trước đây, bản quyền phát sóng trên VOD cho các loạt phim truyền hình còn khá rẻ, vì các studio sản xuất khi đó không kỳ vọng nhiều vào kênh này. Tuy nhiên, khi ngành VOD lớn mạnh vượt bậc trong những năm gần đây, chi phí này cũng theo đó gia tăng đáng kể. Trong năm 2015, theo ước tính của RBC Capital Markets, tổng số tiền mà 3 hãng Netflix, Hulu và Amazon đổ vào việc mua bản quyền nội dung là 6,5 tỷ USD, tăng 70% so với năm 2013. Bên cạnh đó việc thực hiện các nội dung truyền hình cũng khá đắt tiền, chẳng hạn Game of Thrones mùa thứ sáu chi phí khoảng 10 triệu USD cho mỗi tập phim. Trong khi đó các bộ phim hài rẻ hơn khoảng 2 triệu USD mỗi tập...

Ngoài ra, các kênh truyền hình cáp lớn nhất chuyên về phim như HBO, Starz và Showtime cũng chủ động tung ra các dịch vụ VOD dành riêng cho phim của họ. Trước việc ngày gàng gặp khó trong việc mua bản quyền phim từ các studio, Netflix hay mới nhất là Apple buộc phải đầu tư tỷ USD cho việc sản xuất nội dung VOD là điều dễ hiểu. 

Đó là câu chuyện ở thế giới, tại Việt Nam, bên cạnh việc mua bản quyền các bộ phim quốc tế các đơn vị truyền hình Internet trong nước cũng đã, đang và chuẩn bị cho việc sản xuất các nội dung video từ phim, chương trình truyền hình... Clip TV sẽ tập trung vào sản xuất các phim ngắn dạng web series, đầu tư nhiều vào IP (tác phẩm gốc) để chuyển thể thành phim hay Truyền hình FPT tham gia sản xuất sitcom hài “Có giời mới biết”, Zing TV và một số đơn vị khác hợp tác trong bộ phim Glee phiên bản Việt là những minh chứng rõ nhất cho việc sản xuất nội dung của các đơn vị truyền hình trong nước.

Theo ông Phan Thanh Giản, Giám đốc Clip TV, hướng đi sản xuất nội dung của các đơn vị truyền hình trong nước là một định hướng đúng khi mà "bong bóng bản quyền" ở Việt Nam đang sắp vỡ, khiến giá nội dung bản quyền bị đẩy lên một mức không tưởng thì các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình internet đối mặt vô vàn khó khăn, thu không có nhưng chi thì quá lớn.

 Đầu tư sản xuất nội dung giống như chơi bạc

Câu chuyện mua phim bản quyền quốc tế rồi khi chi phí bị đẩy lên quá cao do cạnh tranh lẫn nhau rồi tập trung sản xuất nội dung khiến chúng ta dễ hình dung sang một ngành tương tự, đó là ngành game online. Sau thời gian đi nước ngoài mua game về để phát triển ở Việt Nam, một số đơn vị trong nước đã đầu tư không ít tiền để xây dựng studio game để tự sản xuất game online. Cuối cùng, giống như chơi bạc, có đơn vị phát triển tốt và có đơn vị thua lỗ rồi biến mất. 

Tương tự với thị trường quảng cáo của các hãng di động, mỗi hãng khi ra mắt sản phẩm lại đầu tư vào một người nổi tiếng nào đó và gắn liền với sự lên xuống của các hãng. Như với, OPPO, từ một thương hiệu smartphone non trẻ mới chập chững bước vào Việt Nam chưa lâu, nhờ “đầu tư trúng” khi gắn liền hình ảnh hãng với nam ca sỹ đang lên Sơn Tùng MTP cũng như một loạt show truyền hình ăn khách, OPPO đã thu về trái ngọt với thị phần gia tăng chóng vánh, chỉ sau 2 năm đã đe dọa cả Samsung ở thị trường Việt Nam.  Trước và sau OPPO, không ít hãng di động cũng làm giồng vậy nhưng chưa có hãng nào đầu tư quảng bá hiệu quả như vậy.

Ông Giản cho rằng, đúng là con đường sản xuất nội dung tuy thú vị nhưng đầy rủi ro như đi đánh bạc. Hiện Việt Nam chưa thực sự có ngành công nghiệp điện ảnh thực sự khi mà mỗi năm chỉ sản xuất vài chục phim chiếu rạp, phim truyền hình thì cũng ít phim thành công. 

Năm 2018, Clip TV có bước chuyển mình mạnh mẽ khi đầu tư sản xuất nội dung gốc với các web drama chuyển thể từ văn học mạng với các tác phẩm đang hot. Đây cũng là xu hướng mà nền điện ảnh Hàn Quốc và Trung Quốc đã và đang đi tạo dấu ấn riêng. Theo thống kê của trang People, đầu năm 2017, giá trị sản lượng nền văn học mạng Trung Quốc đạt đỉnh ước tính lên tới 90 tỷ NDT với các tác phẩm chuyển thể thành phim hot như: Sở Kiều truyện Lập kỷ lục 40 tỷ lượt xem, Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa 30 tỷ người xem, Trạch Thiên Ký 20 tỷ người xem, Hạ Chí Chưa Tới 15 tỷ người xem... Với mong muốn đưa tới người dùng Việt các nội dung đậm màu sắc bản địa, Clip TV mong muốn sẽ tạo ra luồng gió mới.

Bên cạnh đó, Clip TV cũng đứng ra tài trợ cho các dự án phim ngắn tốt nghiệp của sinh viên các trường điện ảnh. Mức tài trợ mỗi dự án phim ngắn từ 10 - 100 triệu đồng. Cuối cùng, Clip TV cũng sẽ đầu tư vào các nội dung thiếu nhi vì hiện tại phụ huynh ở Việt Nam vẫn đang loay hoay chưa tìm được 1 kênh an toàn nào cho các em nhỏ...

Khác với ngành game, ngành có tri thức khó hơn ngành điện ảnh khi phải giải quyết tất cả các vấn đề từ: kịch bản gốc, nhân lực lập trình, nhân lực họa sĩ, nhân lực kinh tế trong game... Khi mà ở nước ngoài người ta đã chuyên biệt hóa và tạo ra được ngành công nghiệp ở từng khâu. “Ngành điện ảnh, đặc biệt là đối với web series, việc tự sản xuất nội dung phim sẽ dễ hơn là làm game nhưng cũng rất khó nhằn”, ông Giản nhấn mạnh.