Hôm nay, ngày 25/5, Liên minh phần mềm BSA cho biết, theo Khảo sát Phần mềm Toàn cầu mới công bố của tổ chức này, người sử dụng máy tính Việt Nam vẫn đang sử dụng phần mềm không bản quyền với tỉ lệ đáng báo động, bất chấp mối liên hệ giữa phần mềm không bản quyền và các cuộc tấn công mạng.

Khảo sát với tiêu đề Nắm bắt cơ hội thông qua tuân thủ cấp phép trên cho thấy tỷ lệ phần mềm cài đặt trên máy tính tại Việt Nam không có giấy phép hợp lệ là 78%. So với nghiên cứu tương tự trước của BSA năm 2013, tỉ lệ này đã giảm đáng kể được 3%.

Như vậy, từ năm 2009 đến nay, kết quả nghiên cứu của BSA đã cho thấy tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính ở Việt Nam đã giảm liên tục từ mức 85% năm 2009 xuống 83% năm 2010,  đến mức 81% vào các năm 2011 và 2013; cho tới mức 78% năm 2015 theo kết quả khảo sát mới được công bố.

BSA cho biết, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính giảm đáng kể, tới 3% so với năm 2013 kể trên là do ảnh hưởng một phần bởi những xu hướng lớn đang diễn ra tại Việt Nam. Thị trường máy tính PC nhìn chung đã giảm sút, đặc biệt về phía người tiêu dùng, trong khi số lượng phần mềm cài đặt lại tăng. Do số lượng phần mềm cài đặt tăng nên gây ra “hiệu ứng lượng cài đặt” và theo đó là làm tăng áp lực lên tỉ lệ phần mềm không giấy phép.

“Đặc biệt, những nỗ lực lớn của chính phủ  trong việc tăng cường bảo hộ và thực thi bản quyền phần mềm và các chương trình nâng cao nhận thức rất hiệu quả đã góp phần giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam”, BSA nhấn mạnh.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Liên minh phần mềm BSA Victoria A. Espinel cho biết: “Như báo cáo đã nhấn mạnh, doanh nghiệp cần biết rõ trong hệ thống mạng của công ty đang sử dụng những phần mềm nào. Nhiều giám đốc CNTT chưa nắm bắt được đầy đủ về những phần mềm được triển khai trên hệ thống hay phần mềm đó có hợp thức hay không”.

Bên cạnh đó, đại diện BSA cũng cho biết, khảo sát mới công bố của tổ chức này nhắm đến đối tượng là người tiêu dùng, nhà quản lý CNTT, người sử dụng máy tính PC doanh nghiệp, theo đó khẳng định tỷ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền vẫn còn cao, đồng thời cảnh báo rằng các cá nhân, doanh nghiệp đang “chơi với lửa” khi sử dụng phần mềm không bản quyền. Bởi, giữa các cuộc tấn công mạng và việc sử dụng phần mềm không bản quyền có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi sử dụng phần mềm không bản quyền, nguy cơ gặp phải mã độc sẽ tăng cao, trong khi chi phí để xử lý những mã độc đó là rất lớn. Chẳng hạn chỉ tính riêng năm 2015, các cuộc tấn công mạng đã làm tiêu tốn của doanh nghiệp tới hơn 400 tỷ USD.

Ngoài ra, cũng theo kết quả khảo sát của BSA, 39% các phần mềm cài đặt trên máy tính toàn thế giới năm 2015 không có giấy phép hợp lệ, tức là chỉ giảm không nhiều từ mức 43% theo nghiên cứu toàn cầu trước của BSA thực hiện năm 2013. Thậm chí trong một số ngành quan trọng, tỉ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền còn cao một cách đáng ngạc nhiên. Khảo sát cho biết tỷ lệ này trên toàn thế giới trong các ngành ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán là 25%.

Các giám đốc CNTT ước tính 15% số nhân viên của mình thực hiện tải phần mềm lên mạng nhưng giám đốc không biết. Tuy nhiên, những người này đang đánh giá thấp vấn đề một cách đáng kể, vì có tới gần gấp đôi số đó, tức 26% số nhân viên, cho biết họ đã tải các phần mềm không được phép lên mạng.

Tuy các con số trên vẫn còn cao nhưng báo cáo cũng cho thấy đã có những nhận thức đáng kể về một số vấn đề. Cụ thể, các giám đốc CNTT cho biết mối quan tâm lớn nhất là bị mất dữ liệu do những sự cố an ninh loại này. Các giám đốc CNTT cũng cho rằng yêu cầu tránh các nguy cơ về an ninh là một lý do chính để bảo đảm các phần mềm chạy trên mạng phải là phần mềm hợp pháp, có bản quyền đầy đủ. Đồng thời, trong khảo sát chung về nhân viên, 60% các nhân viên cho rằng nguy cơ an ninh do dùng phần mềm không bản quyền là một lý do chính khiến họ phải dùng phần mềm hợp thức, có bản quyền đầy đủ.

Báo cáo của BSA cũng bổ sung thêm rằng doanh nghiệp có thể giảm thiểu nguy cơ an ninh mạng từ phần mềm không bản quyền bằng cách bảo đảm mua phần mềm từ các nguồn hợp pháp và có chương trình quản lý tài sản phần mềm nội bộ. Theo BSA, những tổ chức triển khai hiệu quả chương trình quản lý tài sản phần mềm nội bộ sẽ biết trên mạng của mình có những phần mềm nào, phần mềm đó có hợp thức, có giấy phép hay không; và sẽ tối ưu hóa việc sử dụng phần mềm bằng cách triển khai những phần mềm phù hợp nhất cho doanh nghiệp; có chính sách, quy trình quản lý việc mua, triển khai, ngừng sử dụng phần mềm; cũng như sẽ tích hợp đầy đủ quy trình quản lý tài sản phần mềm nội bộ vào hoạt động của doanh nghiệp.