dotcom-2.jpg
Thế giới sắp được chứng kiến một vụ nổ bong bóng "dotcom 2.0"?

Bài học dotcom

“Trong những năm vừa qua, khách hàng của chúng ta đã “no say, phè phỡn” bằng những bữa tiệc miễn phí trên Internet. Họ có tất cả: tin tức, e-mail, âm nhạc, phim ảnh, những câu danh ngôn và thậm chí là cả những đường truyền Internet miễn phí. Nhưng cùng với cơn bão sa thải, các công ty đang bắt đầu tính đến chuyện thu phí với đủ thứ dịch vụ mà họ đang cung cấp…” - đó là một đoạn trong bài báo nói về ngành công nghiệp Internet đăng trên tờ The Economist số ra tháng 4/2001. Khi đó, những quả bong bóng dotcom đang bắt đầu vỡ tung và tác giả của bài báo đã dự đoán về tương lai của ngành công nghiệp này.

Tuy đó là những dự báo của năm 2001, nhưng không ít người trong chúng ta sẽ tưởng rằng đó là bài báo của năm 2009 bởi nó tỏ ra chính xác với những gì đang diễn ra.

Trước khi đổ vỡ hàng loạt, các công ty dotcom thời đó đã đua nhau đưa lên mạng Internet những nội dung và dịch vụ miễn phí với hy vọng rằng càng nhiều nội dung, họ sẽ thu hút được nhiều độc giả và từ đó sẽ thu hút được ngày càng nhiều quảng cáo trực tuyến. Mọi sự đã không diễn ra như họ dự định và những “quả bong bóng” dotcom không còn cách nào khác là… nổ tung.

Sau sự cố đó, những công ty nào còn “sống sót” đều phải tính đến chuyện thu phí các dịch vụ nội dung và đường truyền với khách hàng. Nhưng có điều mô hình kinh doanh đó cũng không thành công. Với người dùng web, nếu miễn phí họ sẽ vào. Còn thu phí? Chỉ một cái click chuột vào nút Back (quay lại) trên trình duyệt.

dotcom-3.jpg
Twitter đã chuẩn bị để "bay" không có lợi nhuận đến hết năm 2010.

Đi theo vết xe đổ?

Thật lạ là kể từ năm 2004 tức 3 năm sau cuộc khủng hoảng dotcom, thế giới Internet lại bắt đầu đi vào đúng con đường đó. Đầu tiên là việc hãng tìm kiếm Google đặt một số mẩu quảng cáo bằng chữ (text) ngay bên cạnh những kết quả tìm kiếm của họ. Với những website khác, mô hình kinh doanh “miễn phí” tưởng như đã chết lại đồng loạt “đội mồ sống dậy”. Điều đó chứng tỏ rằng, thực chất, người ta vẫn có thể kiếm được tiền từ Internet và vấn đề là những kẻ đi câu đó có thả cần đúng chỗ hay không và Google là một hình mẫu. Ngày nay, các chuyên gia công nghệ Internet lại cho rằng nguyên nhân chính yếu nhất của vụ nổ bong bóng dotcom năm 2001 là do thế giới thiếu những đường truyền băng thông rộng, tốc độ cao.

Cuộc đua thu hút người dùng Web lại bắt đầu. Dẫn đầu cho cuộc đua lần này là những gương mặt rất trẻ nhưng cũng rất mạnh mang tên: MySpace, YouTube, Facebook và thành viên trẻ nhất là Twitter. Tất cả đều đang cung cấp những dịch vụ rất đa dạng nhưng hoàn toàn miễn phí. Kết quả là họ cũng đã thu hút được một lượng người dùng khổng lồ lên đến hàng chục và thậm chí là hàng trăm triệu thành viên. Mục tiêu tiếp theo của họ là mời gọi và tụ tập những nhà quảng cáo về website của mình. Bữa tiệc miễn phí đã thực sự trở lại.

Nhưng sự thực phũ phàng lại một lần nữa cho thấy, mô hình kinh doanh này hoàn toàn chưa thể thành công. Không ít các chuyên gia công nghệ và thị trường đã gọi tình trạng u ám, và đìu hiu đang diễn ra Sillicon Valley (Mỹ) hiện nay là một dạng của “mùa đông nguyên tử” (ám chỉ tình trạng thiếu sự sống và hoang vắng của những miền đất sau vụ nổ hạt nhân).

Các công ty Internet bắt đầu trở lại với những vụ sa thải, thu hẹp phạm vi hoạt động, bán mình cho những đại gia nhiều tiền hay bần cùng nhất là thu phí từ người dùng. Nhưng “ngôi sao web 2.0” trước kia như MySpace, YouTube… đã đình đám bao nhiêu thì giờ đây lại đang “cùng quẫn” bấy nhiêu trong hành trình đi tìm “kẻ đủ sức mua lại” chính mình. Mới chỉ một mình YouTube tìm được bến đậu mới là Google còn tương lai của Facebook hay thậm chí là Twitter vẫn đang được treo một dấu hỏi lớn trên đầu: Liệu họ có kiếm đủ tiền để tiếp tục duy trì dịch vụ cho hàng triệu khách hàng hay không? Facebook đã có một số sự lựa chọn và giải pháp nhưng cũng không đi đến đâu còn những nhà sáng lập Twitter mới đây còn tuyên bố rằng họ đã có kế hoạch sống không lợi nhuận đến hết năm 2010.

dotcom-4.jpg
Nhưng sau năm 2010, Twitter sẽ "bay" bằng cái gì?

Ý tưởng “cho không mọi thứ” trên Net để thu về lợi nhuận từ quảng cáo thực ra không có gì trái quy luật hay phi thực tế nhưng tại sao đến giờ này nó vẫn chưa thể trở thành hiện thực? Câu trả lời thực ra khá đơn giản: Các công ty Internet đã đánh giá quá cao lĩnh vực quảng cáo trực tuyến. Họ liên tục nâng cấp công nghệ và đưa ra những dịch vụ mới ngày càng hấp dẫn nhưng điều quan trọng nhất là doanh thu và lợi nhuận họ lại phó thác hoàn toàn vào tay các nhà quảng cáo. Mọi mô hình doanh nghiệp đều phải có lợi nhuận và chính các nhà quảng cáo cũng vậy nhưng bắt một mình các nhà quảng cáo phải nuôi sống (và làm giàu) cho toàn bộ ngành công nghiệp Internet là một viễn cảnh không bao giờ có thể trở thành hiện thực.

Bài học khá đơn giản nhưng đắt giá ở chỗ thế giới công nghệ phải trải qua tới 2 vụ nổ bong bóng mới nhận ra. Trước khi quá muộn, lời khuyên đối với các công ty Internet là hãy ngừng những “bữa tiệc miễn phí” của mình lại.

Theo The Economist