Một bức ảnh đã làm "dậy sóng" cộng đồng mạng với 100.000 lượt chia sẻ, do phóng viên BBC đăng tải trên Twitter ở Brazil: Một quả mít được bán với giá 160 bảng Anh (tương đương 218 USD) ở chợ Borough, London.
Mức giá cao ngất ngưởng đã khiến người dùng Twitter bị sốc, nhiều người nói đùa rằng họ sẽ bay đến Anh để trở thành "triệu phú" bằng cách bán mít.
Hình ảnh trái mít có giá khiến nhiều người sốc được bán ở chợ Borough, London. Ảnh: BBC. |
Thực tế, trái mít rất phổ biến ở Brazil, có giá khoảng 1,10 USD/trái. Mít có thể hái miễn phí ở nhiều nơi. Ở Brazil, mít nhiều đến nỗi bị bỏ lại hư thối ở trên đường.
Điều gì đã khiến giá mít chênh lệch đáng chú ý như vậy?
Điều cơ bản đầu tiên: Điểm bán hàng tác động đến giá và điều này áp dụng cho mọi sản phẩm.
“Ngay cả ở Brazil, giá mít cũng khác nhau. Có những nơi có thể hái miễn phí trên cây, có những vùng thì mít cực kỳ đắt", theo bà Sabrina Sartori, CEO của Estancia das Frutas, một vườn cây ăn quả có 3.000 loại trái cây ở bang Sao Paulo.
Thứ hai, mít không thể trồng thương mại ở các nước thời tiết lạnh như Anh.
Hơn nữa, việc thông thương quốc tế đối với mít đầy phức tạp và rủi ro vì nhiều lý do, trong đó có tính dễ hư hỏng, tính thời vụ và khối lượng nặng.
“Trái mít rất nặng, chín rất nhanh và có mùi đặc biệt mà không phải ai cũng thấy dễ chịu”, bà nói thêm.
Với khối lượng lên tới 40 kg, loại trái này rất dễ hỏng và có thời hạn sử dụng ngắn trong siêu thị.
Mít - thường không được quá ưu chuộng ở chính quê hương của mình - lại là sản phẩm có nhu cầu cao ở các quốc gia phát triển nhờ xu hướng ăn chay. Khi nấu chín, mít có kết cấu khá giống thịt, trở thành thực phẩm thay thế hiệu quả.
Tuy nhiên, khi mít nhanh chín thì chúng có vị ngọt và chỉ có thể dùng để tráng miệng. Do đó, mít đóng hộp là giải pháp thay thế phù hợp. Mít đóng hộp có nhiều trong các siêu thị ở Anh với giá trung bình khoảng 4 USD, nhưng nhiều người nói rằng hương vị của nó không giống nhau.
Trái mít cũng rất lớn nên khó vận chuyển và chỉ xuất hiện theo mùa. Việc đóng gói là một thách thức do hình dạng, kích thước và trọng lượng mít không đồng đều. Cũng không có cách nào để biết mít có ở trong tình trạng tốt hay không chỉ bằng việc nhìn vào bên ngoài.
Ngoài ra, tại các quốc gia trồng và xuất khẩu mít, chủ yếu là ở Nam Á và Đông Nam Á (mít là đặc sản của Bangladesh và Sri Lanka), họ thiếu chuỗi marketing và không có quy trình sau thu hoạch. Kết quả ước tính có 70% sản lượng không được sử dụng.
Theo các chuyên gia, mặc dùng trái mít ngày càng phổ biến, nhiều người tiêu dùng lại thiếu kiến thức về loại quả này: Họ chưa từng ăn và không biết cách chế biến mít.
Theo Fabrizio Torres, chủ sở hữu của Torres Tropical BV, một nhà nhập khẩu trái câ tại Hà Lan, cước vận chuyển hàng không đã tăng lên từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
“Nhiều loại trái cây từ các khu vực như châu Á và Nam Mỹ đến châu Âu bằng đường hàng không. Mít rất kén và dễ hư hỏng nên không có giá trị nhập khẩu với số lượng lớn. Những điều này khiến giá mít tăng cao", ông nói.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy mít sẽ được mở rộng thị trường quốc tế bất chấp trở ngại.
Theo ước tính của công ty tư vấn IndustryARC, dự kiến trái mít đạt doanh thu 359,1 triệu USD vào năm 2026, tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 3,3% trong giai đoạn 2021-2026.
Năm 2020, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường mít (37%), tiếp theo là châu Âu (23%), Bắc Mỹ (20%), các quốc gia còn lại trên thế giới (12%) và Nam Mỹ (8%).
(Theo Zing)
'Giải cứu' thanh long, mít, cam, bưởi... đến bao giờ?
Theo chuyên gia, cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thì nông sản mới tránh được chuyện "giải cứu". Muốn vậy, phải có những doanh nghiệp đủ mạnh để việc buôn bán chuyên nghiệp hơn.