Quảng Ninh từ lâu đã là một điểm đến nổi tiếng mà du khách Việt Nam hay quốc tế đều muốn đặt chân tới. Miền di sản hội tụ mọi yếu tố hấp dẫn của thiên nhiên từ biển đảo, trung du, đồng bằng, miền núi, biên giới, tới tài nguyên thiên nhiên. Bởi lẽ đó mà từ những năm 2000, Quảng Ninh đã đón tới 1,5 triệu lượt khách, nhiều hơn dân số của cả tỉnh; vượt qua những thủ phủ du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng (lúc bấy giờ ở mức gần 400.000 lượt).
Tuy nhiên, câu chuyện du lịch Quảng Ninh, kể từ những năm 1994, sau khi Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, vẫn chỉ dừng ở mức đi thuyền thăm Hang Đầu Gỗ, động Thiên Cung và ăn hải sản rồi về. Du khách chưa tìm được thêm điểm mới mẻ ở Quảng Ninh để kéo dài thời gian lưu trú và móc ví chi tiêu. Tổng doanh thu du lịch của năm 2001 chỉ dừng ở mức 468 tỷ đồng, giá trị tăng thêm của các hoạt động kinh doanh du lịch chỉ chiếm vỏn vẹn 2,4% GDP toàn tỉnh.
Ngoài vịnh Hạ Long, những điểm đến hấp dẫn khác của Quảng Ninh như chùa Yên Tử, chùa Phổ Am, Móng Cái, biển Trà Cổ, biển Vân Đồn, Quan Lạn, các khu Hoành Bồ, Quang Hanh… vẫn không nhiều người biết đến, cũng bởi giao thông còn hạn chế. Khách du lịch chủ yếu là nội địa với các tour tâm linh đầu năm.
Sự bứt phá trong du lịch Quảng Ninh được đánh dấu bằng kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XII (9/2013) khi Nghị quyết về Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được thông qua. Theo đó, tỉnh sẽ chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”, phát huy những giá trị lâu dài như dịch vụ - du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quảng Ninh còn thuê McKinsey (Mỹ) - tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới về xây dựng chiến lược phát triển để lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Nguyễn Văn Đọc lúc bấy giờ đã khẳng định: Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, du lịch được xác định là một trong những trụ cột quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội Quảng Ninh phát triển theo hướng bền vững.
Nhiều định hướng và giải pháp để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo đòn bẩy đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế được đưa ra. Trong đó, 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm là huy động linh hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định: Với quyết tâm chính trị cao nhất, Quảng Ninh sẽ đồng hành với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để thúc đẩy phát triển dịch vụ và du lịch, duy trì vị trí quán quân trong nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và hiệu quả điều hành kinh tế
Bằng việc nỗ lực thu hút đầu tư, “cởi trói” chính sách cho doanh nghiệp, Quảng Ninh đã trở thành tỉnh đi đầu trong phát triển hạ tầng. Nhiều công trình hạ tầng lớn của nhà đầu tư có tên tuổi đã khánh thành và đưa vào hoạt động, tạo thuận lợi cho du khách nói riêng và là điểm nhấn cho du lịch Quảng Ninh nói chung. Các công trình: Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; Hạ Long - Vân Đồn; Vân Đồn - Móng Cái… đã kết nối Quảng Ninh thành với nhiều điểm trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, các khu nghỉ dưỡng, sân golf và các khách sạn cao cấp, không gian du lịch được mở rộng, chất lượng các sản phẩm du lịch được nâng lên đa dạng và phong phú đã phát huy tiềm năng và lợi thế cho du lịch Quảng Ninh. Du khách giờ đây tới Quảng Ninh không chỉ thăm vịnh, ăn hải sản rồi về, mà còn được trải nghiệm những trò chơi cảm giác mạnh mang tầm cỡ quốc tế, thả dáng trên cung đường bao biển từng được ví như “Miami” của miền Bắc hay tự hào check-in trên vòng quanh mặt trời bao quát toàn cảnh Hạ Long.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã từng nhận định về tầm quan trọng của những dự án du lịch, giải trí tầm vóc đối với bức tranh du lịch tỉnh Quảng Ninh thế này: “Chúng ta thấy rằng, ở Hạ Long, sau khi các dự án của Sun Group được đầu tư vào khu vực Bãi Cháy, không những tạo ra sự sôi động ở khu vực này mà còn có tác động lan tỏa, làm công suất của tất cả các khách sạn ở khu vực đó đều tăng lên, kích thích vào sản xuất và lưu thông hàng hóa”.
Hiệu quả kinh tế từ các hoạt động du lịch của tỉnh tăng lên rõ rệt. Tổng thu từ khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2018 đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 28,1% so với năm 2017. Thu ngân sách từ du lịch ước đạt 2.750 tỷ đồng, chiếm 9% tổng ngân sách nội địa, tăng 31% so với cùng kỳ. Mức chi tiêu bình quân trên 1 khách du lịch quốc tế đạt 104 usd, tăng 8,5usd/ khách so với năm 2017; chi tiêu của 1 khách nội địa đạt 1,6 triệu đồng, tăng gần 4% so với năm 2017.
Trên đà tăng tốc, Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 30 triệu lượt khách du lịch vào năm 2030, trong đó khách quốc tế đạt 15 triệu lượt. Với vị thế của Top 5 điểm đến hàng đầu Châu Á, Top kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới và sự đầu tư không ngừng nghỉ vào những dự án giải trí, nghỉ dưỡng tỷ đô của các nhà đầu tư uy tín thì có thể không cần tới 10 năm, thứ hạng trên bản đồ du lịch thế giới của Quảng Ninh sẽ thay đổi vượt bậc.
ND