- Qua kiểm tra 121/2500 trường học trên địa bàn, phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết: Trên 80% các trường học đã tổ chức họp phụ huynh, bức xúc không nhiều như năm trước, đơn thư khiếu nại cũng giảm.

{keywords}

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội các khiếu nại, bức xúc về tình trạng lạm thu, dạy thêm học thêm tràn lan đầu năm học 2013-2014 đã giảm đáng kể. (Ảnh minh họa. Ảnh: VietNamNet)

Nhiều trường vẫn phạm luật

Chiều 8/10, cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ của Thành ủy Hà Nội đã tập trung vào vấn đề đang khiến dư luận quan tâm hiện nay là thu chi và quản lý dạy thêm, học thêm đầu năm.

Ông Hoàng Cơ Chính, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đầu năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT đã thành lập 20 đoàn thanh kiểm tra các khoản thu chi và quản lý dạy thêm học thêm tại các cơ sở giáo dục thuộc 29 quận, huyện thị xã trên địa bàn TP. Thời gian thanh tra, kiểm tra được tiến hành từ 12/9 đến hết ngày 25/9.

Kết quả phát hiện một số tồn tại: Một số cơ sở giáo dục triển khai việc cấp phép dạy thêm học thêm chưa kịp thời; kế hoạch của một số đơn vị chưa đúng quy định như xếp lớp không phân loại học sinh (THCS Trần Đăng Ninh), chưa kiểm tra đầy đủ và lưu giữ bài soạn của giáo viên dạy thêm, chưa có chương trình dạy thêm cho từng môn (THCS Thanh Mai – Hà Đông), tăng tiết dạy thêm học thêm chưa được giải thích cho người học và người dạy (THPT Trung Giã, Sóc sơn), thu vượt quá mức trần, chi không đúng tỷ lệ%...

Ngoài ra, dự toán, kế hoạch thu, chi cho các hoạt động dạy thêm học thêm chưa rõ tại Trường THCS Phụng Thượng, Phúc Thọ. Một số UBND quận, huyện chưa ban hành văn bản thực hiện quyết định về dạy thêm học thêm của UBND TP, chưa triển khai công tác kiểm tra (Phòng GD-ĐT huyện Đan Phượng, quận Tây Hồ…)

Đồng thời, đoàn thanh tra phát hiện một số trường vẫn dự kiến thu các khoản khác ngoài văn bản quy định như hỗ trợ dạy và học cho giáo dục tại Trường THCS Bình Minh và Trường THCS Thanh Mai (Thanh Oai); vệ sinh lớp, photo tài liệu, học tăng cường lớp chất lượng cao (khối 6) tại trường THCS Nguyễn Huy Tưởng (Đông Anh); Photo đề kiểm tra, ôn tập thi khảo sát khối 10, mua vở HS tại TTGDTX Sơn Tây.

Một số trường dự kiến thu tiền tự nguyện chưa đúng quy trình, chưa báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để phê duyệt như mua điều hòa ở Trường mầm non Dương Xá (Gia Lâm); mua máy phát điện ở Trường Tiểu học Kim Sơn (Gia Lâm); mua dù, làm nhà kho tại Trường tiểu học Bích Hòa (Thanh Oai); sửa sân trường tại Trường THCS thị trấn Liên Quan (Thạch Thất).

Ngoài ra, Quỹ Ban đại diện cha mẹ HS ở các trường: Tiểu học thị trấn Xuân Mai A (Chương Mỹ), Trường Tiểu học Đức Giang, Trường Tiểu học Bích Hòa và Trường THCS Bình Minh (Thanh Oai) thu không đúng quy định, dùng quỹ của cha mẹ học sinh chi khen thưởng giáo viên, nhân viên nhà trường, bồi dưỡng lễ, tết cho cán bộ giáo viên...

Bức xúc, khiếu nại giảm

Phó GĐ Sở GD - ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết, năm nay đơn thư khiếu nại về thu chi đầu năm không nhiều như mọi năm. Qua kiểm tra 121/2500 trường trên địa bàn thành phố, 80% các trường học đã tổ chức họp phụ huynh. Bức xúc đã không nhiều như năm trước.

Trước câu hỏi quan điểm của sở GD-ĐT về sự cần thiết của sổ liên lạc điện tử, phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho rằng: “Đây giải pháp liên lạc giữa gia đình và nhà trường. Sở không khuyến khích nhà trường sử dụng, tránh lạm dụng thu tiền không đúng”.

Về công tác quản lí dạy thêm học thêm, ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Gia Lâm cho biết qua kiểm tra 50% tổng số trường trên địa bàn, tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan về cơ bản đã được khắc phục.

“Dạy thêm học thêm là không thể loại trừ trong xã hội. Không thể cấm tuyệt đối mà quản lý chỉ đạo để hoạt động này được thực hiện nghiêm túc mà thôi” – lời ông Quý.

Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho rằng: Tình trạng dạy thêm học thêm không dễ chấm dứt. Giáo viên hưởng lương ngân sách không được dạy thêm; học sinh tiểu học 2 buổi không học thêm. Hà Nội đã đưa ra mức trần thu dạy thêm thống nhất trên toàn TP.

“Sở không cấm giáo viên đi dạy thêm nhưng các giáo viên phải được hiệu trưởng xác nhận và dạy thêm ở những đơn vị có phép” – lời ông Quang.

Sập vữa trần trường mầm non, trách nhiệm thuộc trường

Liên quan đến vụ việc sập trần Trường Mầm non Dũng Tiến, huyện Thường Tín vào chiều 7/10, phó GĐ Sở GD-ĐT Phạm Thị Hồng Nga cho biết, để xảy ra sự việc trách nhiệm đầu tiên thuộc về trường.

6 cháu nhỏ bị thương đã được đưa cấp cứu. Trong đó, 1 cháu phải khâu 3 mũi ở chân, không em nào gãy chân. Tối 7/10 các cháu đã trở về với gia đình. 

Hiện công an, thanh tra xây dựng đã vào cuộc xem xét chất lượng công trình.

Văn Chung