Ít có học sinh trường năng khiếu nào phải chịu sự khổ luyện đặc biệt như học sinh trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Không chỉ đòi hỏi về năng khiếu, các bạn ấy còn cần có sự chuẩn mực của hình thể. Có lẽ vì thế mà chúng mình luôn thấy các girl trường Múa có dáng dấp thật mảnh khảnh.
Học đứng nhiều hơn... ngủ
Bạn Ngọc Ánh (16 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Tớ được bố mẹ cho vào trường Múa năm 12 tuổi. Lúc đó, nhìn các anh chị mặc váy múa, tớ thích lắm, và chỉ ao ước được như các chị ấy thôi. Đến lúc vào trường rồi, tớ mới thấy cái khắc nghiệt của nghề".
Để trở thành học sinh của trường, Ngọc Ánh phải trải qua kỳ thi tuyển khắt khe. Các thầy cô giáo sẽ chấm điểm độ dẻo cơ thể, sự cảm thụ âm nhạc và tưởng tượng tốt các động tác múa theo yêu cầu. Nếu hơi béo một chút, chân tay hơi cong, hoặc mặt không được đẹp lắm sẽ bị loại ngay tắp lự. Vào đã khó, rèn luyện còn khổ hơn gấp bội.
gioi thieu |
“Mỗi ngày chúng tớ phải luyện tập 5 tiếng. Nhớ nhất bài học đầu tiên khi vào trường là đi bằng ngón chân đến rớm máu, đau đến hàng tháng trời. N hưng đau không có nghĩa là được nghỉ, mà vẫn phải luyện tập cho đến khi nào làm được mới thôi. Thường thì buổi sáng chúng tớ học múa ballet và múa dân gian, còn buổi chiều học văn hóa”, Hoàng Oanh (17 tuổi) cho biết.
Đã là học sinh của trường thì bạn nào cũng hãi hùng với màn… “ép xác” lúc mới vào. Để có thể dang hai chân thẳng trong các bài múa ballet, các bạn ấy đã phải tập kéo chân bằng tạ. Quả tạ được cột vào chân, sau đó duỗi thẳng để kéo. Phải hít đất nhiều để cơ bụng săn chắc, tập đi bằng ngón chân.
“Chuyện bong gân, trật xương, chảy máu… với học sinh trường tớ như cơm bữa. Bọn tớ vẫn nói đùa với nhau, mình học đứng nhiều hơn ngồi, ngủ. Vì ngoài giờ tập vẫn phải tập đứng ở nhà cho thật thẳng. Nhiều khi đau, mệt đến phát khóc, nhưng niềm an ủi lớn nhất là luôn được các thầy cô giáo động viên phải cố gắng”, Ngọc Ánh cho biết.
Từng ôm nhau khóc vì chuyện... ăn
Xa nhà từ lúc mới 12, 13 tuổi, những cô, cậu học sinh phải tự lo cho bản thân mình từng bữa ăn, giấc ngủ.
Đối với những bạn học sinh tỉnh xa, phải ở trong KTX của trường, mỗi phòng từ 6 - 8 học sinh, việc tắm gội, giặt giũ cũng như dọn dẹp vệ sinh đều phải tự làm như các anh chị lớn.
“Nhớ hồi mới ở trong KTX của trường, tớ nhớ nhà, nhớ bạn kinh khủng. Đêm nào tớ cũng khóc, một phần vì đau nữa. Nếu như ở nhà, thì bố mẹ tớ sẽ hỏi han, sẽ xoa bóp ngay cho con gái, nhưng ở đây tớ nhủ mình cố gắng chịu đựng”, Mỹ Linh (15 tuổi) tâm sự.
Một thực tế mà nhiều học sinh trường Múa phải chấp nhận đấy là việc các bạn ấy phải tự mình kiềm chế trước đồ ăn. Dù ngon cỡ nào, đói đến mấy cũng không dám ăn nhiều để có hình thể chuẩn.
Ngọc Ánh kể: Lúc bạn ấy còn nhỏ, cũng như bao đứa trẻ khác, bạn ấy chỉ thèm ăn thôi, lại thích ăn nhiều đồ ăn nhanh nữa. Nhưng bố mẹ và thầy cô giáo đưa ra chế độ ăn rất nghiêm khắc. Mỗi sáng, Ánh chỉ dám ăn một ít đồ, buổi trưa cũng thế, và tối thì hầu như không dám ăn gì. Chỉ cần béo lên một chút thôi là sẽ không đảm bảo được việc tập.
“Tớ nhớ có lần, thèm ăn quá, tớ ăn trộm một miếng bánh hambuger, nhưng ngay lập tức tớ nghĩ đến việc lên sàn tập và lại nhả ra. Cả phòng mấy bạn bằng tuổi nhau trông thấy, liền ôm nhau khóc nức nở. Giờ thì tớ quen với chế độ ăn khắt khe rồi, nên cảm thấy bình thường”.
Nghĩ lại tất cả những điều một học sinh trường Múa phải trải qua, Mỹ Linh chia sẻ: “Nhiều lúc nghĩ tới các bạn học sinh cùng trang lứa, hàng ngày lên lớp học văn hóa, thời gian rảnh rỗi được đi chơi mà thèm muốn. Đã có lúc mình nản lòng vì sự cực khổ, tính đến chuyện bỏ trường, bỏ nghề múa, nhưng không nổi. Múa với mình là đam mê lớn của cả cuộc đời, chỉ biết hy sinh và cố gắng theo đuổi nó thôi”.
Theo DT