Mường Tè là huyện biên giới khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu. Toàn huyện có 13 dân tộc sinh sống, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số. 

Xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều. Thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, Mường Tè là địa phương từng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh. Huyện có 14 xã thì có đến 11 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế...v

Những năm qua, để phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Mường Tè đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy sức mạnh toàn dân và tận dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

W-anhsam.png
Cây Sâm Lai Châu 

Giai đoạn 2000-2020, là một trong những giai đoạn huyện Mường Tè phát triển mạnh mẽ, nhờ nguồn lực đầu tư của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện, các chương trình xóa đói giảm nghèo triển khai hiệu quả. Mường Tè đã để lại dấu ấn quan trọng, thực hiện thành công Chương trình di dân tái định cư Thủy điện Lai Châu, góp phần tích cực để dự án trọng điểm quốc gia về đích sớm một năm, tiết kiệm cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Di dân tái định cư kết hợp với sắp xếp ổn định lại các khu dân cư, đã có trên 1.000 hộ dân tình nguyện chuyển đến nơi ở mới. Để ổn định đời sống nhân dân, các cấp chính quyền triển khai hiệu quả các hạng mục dự án, chính sách hỗ trợ với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. 

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 là động lực quan trọng để vừa khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế, vừa góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, vừa giải quyết vấn đề lâu dài đối với mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, UBND huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã về giá trị, tác dụng của cây sâm Lai Châu và các dược liệu quý; khuyến khích thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Định hướng vùng trồng sâm Lai Châu tập trung tại các xã: Pa Vệ Sủ, Thu Lũm, Tá Bạ, Pa Ủ, Ka Lăng.

Đến nay, có 9 công ty, doanh nghiệp vào khảo sát, xin chủ trương đầu tư phát triển trồng sâm Lai Châu; trong đó có 5 công ty, doanh nghiệp đã đầu tư phát triển, diện tích ước đạt gần 20ha sâm Lai Châu, 5ha thất diệp nhất chi hoa và một số cây dược liệu khác. Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển sâm Lai Châu, dược liệu quý; phấn đấu đến năm 2025 trồng mới trên 50ha sâm Lai Châu, trên 200ha cây dược liệu quý…

Cùng với sâm, quế là cây trồng mang lại nguồn thu lớn cho người dân địa phương. Sau 7 năm triển khai, huyện đã trồng được hơn 2.300ha quế; trong đó, hơn 50% diện tích đã được thu hoạch, giúp hàng nghìn hộ dân có nguồn thu ổn định. Diện tích quế ngày càng mở rộng, được người dân kỳ vọng là “cây giảm nghèo”.

Có thể nói, bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh Lai Châu theo hướng tập trung phát triển cây dược liệu đã trở thành một hướng đi vững chắc, mở ra cho địa phương này những cơ hội mới, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương.

Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới của huyện đã có chuyển biến tích cực. 100% đường ôtô đến trung tâm các xã, bản, diện mạo thị trấn Mường Tè ngày một khang trang; kinh tế của huyện phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng.  Hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người hằng năm của huyện đã tăng lên gần 28 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn khoảng 50%.

Nhóm PV