Một chuyên gia về tiếp thị đã nói vui về những người bán hàng nhỏ lẻ trên mạng như vậy. Cách bán hàng này xuất hiện ngày càng nhiều từ các trang web độc lập, gian hàng thuê cho đến mạng xã hội.

“Mô hình kinh doanh trên web, chủ yếu trên mạng xã hội đang phát triển mạnh. Nhưng độ lớn về doanh số là bao nhiêu, đến nay vẫn chưa có cơ quan nào đo được”, ông Nguyễn Ngọc Dũng, trưởng đại diện hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom) chi nhánh phía Nam, nhận xét. Điều dễ thấy là khó có thể kể hết những gương mặt doanh nhân trên mạng. Họ đến từ đủ mọi ngành nghề, nay bán hàng trên mạng, có khi chỉ là để... “kiếm thêm”.

Nghề thời thượng

Cách đây ba năm, công chức Nguyễn Thuỳ Anh về mở quán nhậu có tên là Kiến (143 Nghi Tàm, Hà Nội). Nhìn thấy tửu khách có nhu cầu giao hàng tận nhà, chủ yếu là những món ăn đặc sản của mọi miền đất nước, tháng 6 vừa qua, Thuỳ Anh khai trương dịch vụ giao hàng tận nhà với slogan “Gi gỉ gì gi… cái gì ngon thì bán”. Ban đầu, Thuỳ Anh lập một địa chỉ trên Facebook, sau đó giới thiệu dịch vụ trên muare.vn. Thuỳ Anh cho biết, với khách hàng ở các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa sẽ không giới hạn giá trị đơn hàng, nhưng với các quận xa hơn như: Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Phương Mai… giá trị đơn hàng từ 200.000 đồng trở lên sẽ được miễn phí. “Quán có gì mà khách yêu cầu giao, giao tất. Mỗi ngày từ 10 - 20 đơn hàng”, Thuỳ Anh kể.

{keywords}
Giờ đây, xôi - cháo - chè cũng lên mạng! Chỉ cần đặt hàng, có nhân viên giao hàng tận nơi. Trong ảnh: chè khúc bạch được chào bán qua Facebook.

Cách đây hai năm, bà T. Hạnh (quận 4, TP.HCM) chỉ có 20 người bạn, nhưng đến thời điểm này, Facebook của bà đã có khoảng 5.000 thành viên thân thiết cho thương hiệu May, chuyên bán quần áo do chính tay bà thiết kế mẫu. “Ban đầu chỉ bán cho vui, chủ yếu bán những gì không còn dùng đến. Dần dần, thấy bạn bè có nhu cầu trao đổi những mặt hàng này nên mở rộng thêm”, bà Hạnh cho biết. Giữa tháng 6.2013, bà Hạnh cùng với bạn mở thêm một điểm giao hàng và bán hàng “offline” tại Hà Nội.

Trong thời gian ba năm du học tại Nhật Bản, bà Thuý Hân (quận 5, TP.HCM) có tham gia một số khoá học nấu ăn và làm bánh của người Nhật. Bà chia sẻ kinh nghiệm này với bạn bè trên Facebook. “Fan” đông dần lên, nhiều người nhờ bà Hân mua giùm vật liệu, dụng cụ làm bánh. Ban đầu chỉ mua giúp bạn bè, về sau thấy khách đông, bà chuyển sang kinh doanh nguyên liệu làm bánh và sản phẩm đóng hộp. Hiện nay, có 144 mặt hàng xuất hiện trên trang Facebook của bà.

Tháng 4.2013, bà S.P (quận 4, TP.HCM) thuê gian hàng có tên: dacsanviet98.chiliweb.org để bán những món hàng đặc sản trên mạng, từ mật ong, càphê, trà, tỏi, cho đến hạt điều, bột sắn dây, nước cốt bưởi… Bà S.P cho biết, khách mua hàng đến từ nhiều nguồn, từ những người tìm hàng trên mạng, đến 200 bạn trên Facebook và cả bà con trong xóm. Công việc của bà S.P khá nhàn, chỉ kiểm tra mặt hàng nào còn, mặt hàng nào hết để đặt hàng. Sau đó, lên mạng, lên Facebook kiểm tra đơn hàng, rồi cho nhân viên giao hàng.

Tháng 3.2013, bà H. Trân (quận 1, TP.HCM) chính thức bỏ việc ở một công ty truyền thông để về nhà bán các mặt hàng phụ liệu cho những người làm các sản phẩm quà tặng bằng tay và quần áo trẻ con qua… Facebook. Bà Trân cho biết, từ khi có blog 360, bà đã biết bán hàng qua mạng nhưng lúc đó chỉ làm cho vui hơn là một cách mưu sinh “chuyên nghiệp” như bây giờ. Theo lời bà Trân, có ngày bán được mười đơn hàng. Cũng có khách hàng chỉ mua một tấm vải giá 70.000 đồng nhưng cũng có khách mua vài triệu đồng, thậm chí có cả những khách hàng ở tận Hà Nội, phải giao hàng qua đường chuyển phát nhanh.

Ông Q.K là một công chức đang làm ở một cơ quan có thu nhập ổn định. Hết giờ làm, ông đi lấy hàng các mặt hàng nghe nhìn về. Sau đó, vào các diễn đàn về điện tử để rao: “hàng đang xài, nay muốn bán”. Sau khi thoả thuận giá, khách tới nhà để mua hàng. Tiếp tục, rao cùng nội dung trên ở một diễn đàn khác, với tên khác để bán hàng. Cứ thế, lúc nào ông cũng có “hàng đang xài muốn bán”. Ông cho biết, lời rao không quan trọng, vấn đề là chất lượng và giá cả hợp lý nên ông chưa gặp phiền phức gì từ người mua. Do là “hàng đang xài muốn bán” nên ông cũng chẳng bị thuế má hỏi thăm.

{keywords}

Những cửa hàng của mô hình kinh doanh trên mạng không cần thuê mặt tiền hoặc hẻm chính

Sống được nhưng lo

Theo lời bà S.P, vì mới khai trương nên tiền lãi chỉ đủ trang trải cho tiền thuê năm nhân viên giao hàng (3-4 triệu đồng/tháng/người) và tiền lương cho chính mình như mức lương hồi đi làm công ty. “Vì không thuê mặt bằng, tận dụng nhà ở làm kho hàng và trưng bày sản phẩm nên khoản dư đó được xem là lương. Nếu thuê mặt bằng, chắc không có lương”, bà S.P cười. Còn với bà H. Trân, thời “hưng thịnh” diễn ra đúng một năm, từ tháng 3.2012- 3.2013, còn nay đã chậm lại mặc dù bà thường xuyên bổ sung hàng mới. Bà Trân chia sẻ, lợi nhuận mấy tháng này, sau khi trả tiền thuê mặt bằng có diện tích 12m2 tại lầu 3 (một chung cư trên đường Lê Lợi, quận 1) hết 2,3 triệu đồng, lương của nhân viên và chi phí điện nước, phần còn lại chỉ đủ sống qua ngày. “Kinh doanh trên mạng bây giờ cũng khó khăn”, bà Trân than thở.

Sau khi trừ hết mọi chi phí, từ tiền thuê mặt bằng (45m2, lầu 1, đường Nguyễn Văn Mai, quận 3) khoảng 10 triệu đồng; lương nhân viên, thuế và các khoản chi phí khác 10 triệu đồng, bà T. Hạnh kiếm khoảng 30 triệu đồng. “Nghe tưởng chừng là nhiều nhưng để kiếm được chừng đó tiền, cực lắm. Phải thức đêm để vẽ mẫu, rồi tìm mối có uy tín để gia công… và hàng trăm việc không tên khác. Cực nhưng vui, không còn căng thẳng như hồi đi làm công ty”, bà Hạnh nói.

Khác với những cửa hàng “offline”, những cửa hàng của mô hình kinh doanh trên mạng không cần thuê mặt tiền hoặc hẻm chính, mà chỉ cần có nơi, vừa làm kho để giao hàng cho khách, vừa trưng bày hàng hoá cho những khách quen. Chính vì vậy mà chi phí thuê mặt bằng rẻ hơn như bà Trân, bà Hạnh đã kể. Chi phí thuê nhân viên cũng rẻ hơn. Theo lời bà Hạnh, phần việc của nhân viên không quá khổ, chỉ lên Facebook để trả lời yêu cầu khách hàng, kiểm đơn hàng, chụp ảnh rồi đẩy lên Facebook… nên lương không cao, chỉ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Còn nhân viên làm việc cho bà Trân lại được tính theo giờ (12.000 đồng/giờ/người), có việc thì làm, không việc thì nghỉ, tiết kiệm chi phí cho “bà chủ”.

Vì chưa có khung pháp lý để quản lý nhóm kinh doanh trên mạng xã hội nên những “ông chủ, bà chủ” đều lo ngại trước lời buộc tội “kinh doanh trốn thuế” của địa phương, cơ quan thuế… Bà Trân cho biết, vài tháng nữa sẽ xin giấy chứng nhận hộ kinh doanh cá thể để khỏi “phập phồng”. Còn theo lời bà Hạnh, đang chuẩn bị hồ sơ để tách phần thuế vì trước đây nộp chung với bạn. “Không biết bao nhiêu, nhưng đã buôn bán thì phải nộp thuế, nếu không mệt mỏi lắm”, bà Hạnh chia sẻ.

(Theo SGTT)