- "Nạn mua bán người ngày càng có xu hướng gia tăng, từ tính chất, quy mô, phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt", Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết.

Hàng ngàn phụ nữ bị lừa bán… 

Hội thảo về chủ đề chống tội phạm mua bán người và môi giới hôn nhân trái phép được tổ chức ở Tiền Giang sáng 30/7.

Đại tá Lê Văn Chương, Chánh văn phòng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm cho biết, từ đầu năm 2008 đến hết 6 tháng đầu năm 2014, cả nước có 115.675 công dân Việt Nam kết hôn với công dân của trên 50 quốc gia trên thế giới (trong đó nữ chiếm 92,01%) chủ yếu tập trung ở các nước Đài Loan; Trung Quốc; Hàn Quốc; Mỹ và các quốc gia Châu Âu.

{keywords}

Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm tại buổi hội thảo chia sẻ phòng chống tội phạm buôn bán người.

Bình quân mỗi năm có gần 20 ngàn chị em phụ nữ ở trong nước lấy chồng ra nước ngoài.

Điểm chú ý, tội phạm mua bán người diễn ra dưới hình thức môi giới hôn nhân, từ đó bán người trái phép ra nước ngoài. 

Theo Đại tá Chương, phụ nữ kết hôn ra nước ngoài chủ yếu ở những gia đình nghèo, kinh tế khó khăn, trình độ học vấn thấp ở các tỉnh Tây Nam Bộ, trong đó TP.HCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp chiếm đến 78%.

Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ ở các tỉnh phía Bắc sống gần biên giới Trung Quốc cũng bị lừa, ép sang nước sở tại sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. 

Trong thời gian trên, cả nước xảy ra gần 3.000 vụ mua bán người, liên quan đến 4.700 đối tượng, lừa bán hơn 5.800 nạn nhân. 90% là buôn bán sang Trung Quốc và chỉ 10% diễn ra trong nước. 

Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng cho rằng: “Nạn mua bán người ngày càng có xu hướng gia tăng, từ tính chất, quy mô, phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, cả nước có hơn 300 vụ việc liên quan đến mua bán người thông qua môi giới hôn nhân”. 

Thủ đoạn buôn người tinh vi 

Phải xem nạn buôn người thông qua môi giới hôn nhân còn nguy hiểm hơn cả tội phạm ma túy. Cần có chế tài mạnh hơn đối với thực trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam” - lãnh đạo Tổng cục tổng kết. 

Tổng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm còn chỉ ra, các đối tượng mua bán người nằm trong các đường dây mua bán người chuyên nghiệp, 22% trong số này từng có tiền án, tiền sự.  

Rất nhiều đối tượng người nước ngoài thông qua công ty môi giới nước ngoài vào Việt Nam dưới dạng tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế. Từ đây, các đối tượng cấu kết, cò mồi, môi giới người Việt Nam dẫn dắt và hình thành đường dây mua bán người xuyên quốc gia. 

Những thủ đoạn của một số đối tượng ở các nước như: Hàn Quốc; Đài Loan; Malaysia… móc nối các đối tượng ở Việt Nam để dụ dỗ phụ nữ ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Chúng gom người, tập trung tại các tụ điểm, “lò” nuôi gái; có những địa điểm tập trung hàng trăm người tại TP.HCM. 

Cơ quan CSĐT còn cho biết, từ năm 2010 đến nay, do phát hiện, bóc gỡ nhiều đường dây mua bán người nên các đối tượng trong đường dây buôn người ngày càng áp dụng những thủ đoạn tinh vi, ma mãnh. 

Cụ thể, tại mỗi địa điểm tập kết chỉ tập trung từ 3 đến 5 người. Sau đó khách có nhu cầu được điều động đến xem mặt, kiểm tra nhanh chóng khiến cơ quan chức năng không kịp trở tay. 

Ngoài ra, các đối tượng sử dụng máy quay video hoặc thông qua webcam máy vi tính ghi hình. Sau đó, hình ảnh được chuyển đến cho người cần mua bán như một món hàng…  

Quốc Huy