Trong những năm qua, bên cạnh việc xây dựng và phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách để nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần ở nông thôn nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và các vùng nông thôn.
Các điểm bưu điện văn hóa xã đã trở thành cánh tay nối dài của ngành Bưu điện để triển khai các dịch vụ, dự án của Nhà nước về an sinh xã hội tại những vùng nông thôn. |
Với phương châm đưa ánh sáng văn hoá và tri thức đến với người dân có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Mô hình điểm Bưu điện Văn hoá xã là một trong những giải pháp để cụ thể hoá chủ trương nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần ở nông thôn của Nhà nước ta, là sự kết hợp liên ngành giữa các đơn vị ngành Bưu điện, ngành Văn hoá Thông tin, ngành Tư pháp nhằm đưa ánh sáng văn hoá, kiến thức pháp luật, nối liền thông tin nhằm xoá đi khoảng cách không gian giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảoViệc thay đổi căn bản phương thức hoạt động theo mô hình đa dịch vụ đã từng bước chấm dứt tình trạng trì trệ kéo dài của mô hình bưu điện văn hóa xã truyền thống, đưa các điểm bưu điện văn hóa xã phát triển ngày một khởi sắc.
Hầu hết các điểm đa dịch vụ trong thời gian qua đều hoạt động hiệu quả, có mức doanh thu tăng mạnh so với trước năm 2016, thu nhập của nhân viên không ngừng được nâng cao.
Hẳn nhiều người còn nhớ, trong Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển bưu điện văn hóa xã hồi năm ngoái, tại Hà Nội, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Phạm Anh Tuấn đã ôn lại sự hình thành và phát triển của ngành bưu điện trong 20 năm qua.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, năm 1998 cả nước mới chỉ có 2 triệu máy điện thoại, tương ứng mật độ 2,64 máy/100 dân, cùng với 3.000 bưu cục tập trung chủ yếu ở các thành phố, thị xã. Thời điểm ấy, mỗi bưu cục bình quân phải phục vụ cho 25.500 người/110 km2, dịch vụ internet ở xã chưa có, mỗi xã Ủy ban nhân dân xã cũng chỉ có 1 máy điện thoại. Khoảng 2.000 bưu điện văn hóa xã đã ra đời trong hoàn cảnh đó. 20 năm sau, con số này đã tăng tới 8.000 bưu điện văn hóa xã, góp phần mở rộng mạng lưới phục vụ bưu chính viễn thông lên đến gần 19.000 điểm. Người dân, thay vì phải đến trung tâm huyện lỵ, thị trấn mới có dịch vụ bưu chính viễn thông thì nay đến bất kỳ bưu điện văn hóa xã nào cũng có thể được cung cấp tất cả các dịch vụ bưu chính.
bưu điện văn hóa xã đã trở thành một thiết chế văn hóa, là điểm sáng của ngành bưu điện. Ở đó người nông dân được sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông và Internet với chất lượng như ở thành phố; thanh thiếu niên, bộ đội, cán bộ hưu trí, người già….đến sinh hoạt, đọc sách báo để nắm bắt thông tin mới, tìm hiểu chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như học hỏi, ứng dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào việc xóa đói, nghèo.
Với mục tiêu phát triển hệ thống bưu điện văn hóa xã thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng thời phát triển kinh doanh, tạo nền tảng bền vững để lồng ghép triển khai các chương trình, dự án của Nhà nước về nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, từ năm 2014, Bưu điện Việt Nam đã tập trung triển khai chiến dịch đổi mới hoạt động tại bưu điện văn hóa xã trên phạm vi toàn quốc.
Giai đoạn 2014 - 2018, Bưu điện Việt Nam đã đầu tư gần 200 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa 5.200 điểm bưu điện văn hóa xã. Số điểm bưu điện văn hóa xã online (được trang bị máy tính, máy in kết nối internet lên tới 5.400 điểm).
Từ chỗ chỉ đơn thuần cung cấp các dịch vụ bưu chính truyền thống, là nơi đọc sách báo miễn phí, đến nay bưu điện văn hóa xã đã cung cấp nhiều dịch vụ như: Huy động tiết kiệm bưu điện, chuyển tiền, bảo hiểm bưu điện, phân phối hàng tiêu dùng về nông thôn, cung cấp các thiết bị viễn thông- truyền hình kỹ thuật số... phục vụ bà con nông thôn, góp phần hoàn thành lộ trình số hóa truyền hình của Chính phủ.
Bài: Bùi Bình Minh - Nhóm PV
Ảnh: Hồ Thị Nhụy - Nhóm PV