Cuộc sống của cựu lính cứu hỏa Pat Hardison có cơ hội bước sang một trang mới sau ca cấy ghép mặt với chi phí đắt nhất thế giới.

TIN BÀI KHÁC

Khuôn mặt của anh Hardison đã bị hủy hoại kinh hoàng, sau một lần tham gia thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, Daily Mail đưa tin. Kể về “ngày định mệnh” cách đây hơn 10 năm, anh cho biết: “Đó chỉ là một ngày bình thường, cũng giống như những đám cháy khác".

"Chúng tôi đi vào bên trong để tìm kiếm một phụ nữ đang mắc kẹt”. Hardison bước vào căn nhà cùng với 3 đồng nghiệp khác. Thảm kịch xảy ra khi trần nhà sụp xuống đúng chỗ anh đang đứng. “Mặt nạ đã tan chảy vào khuôn mặt tôi”, anh Hardison kể lại.

{keywords}
Khuôn mặt của Hardison trước và sau khi tiến hành phẫu thuật. (Ảnh: AP)

Hardison cố tháo bỏ mặt nạ, nín thở và nhắm mắt lại. Hành động này đã giúp anh không bị mất hoàn toàn thị giác, đồng thời ngăn khói làm hại cổ và phổi. Anh được đưa ra khỏi ngôi nhà trong tình trạng sức khỏe tồi tệ. Da thịt trên mặt anh bốc khói, tan chảy.

Hardison nằm viện suốt 63 ngày sau đó. Anh bị mất tai, môi, hầu hết mũi và các mô mí mắt, khiến anh không thể nhìn được. Khi đó, biện pháp duy nhất là tạo hình một khuôn mặt mới bằng mô thịt và da đùi. Tuy vậy, ngoại hình của anh trở nên vô cùng đáng sợ.

Trở về nhà, anh vô cùng đau lòng khi 3 đứa con nhỏ, Alison 6 tuổi, Dalton 3 tuổi và Averi 2 tuổi khiếp sợ khi nhìn thấy bố.

“Các con sợ hãi tôi. Nhưng không thể đổ lỗi cho chúng được, chúng chỉ là những đứa trẻ. Tôi nói đùa với chúng rằng mình đã chiến đấu với một con gấu, nhưng chúng vẫn chạy, la hét và khóc. Với tôi điều đó còn tồi tệ hơn cả cái chết”, anh nói.

{keywords}
Khuôn mặt đáng sợ của Hardison khiến các con không dám đền gần. (Ảnh: NYU Langone Medical Center)

Trong vòng 7 năm sau đó, Hardison đã phải trải qua 71 ca phẫu thuật cấy ghép da đau đớn nhằm tái tạo miệng, mũi và mí mắt. 

Tai nạn không chỉ gây ra vô vàn đau đớn về thể xác, mà còn khiến cuộc hôn nhân 10 năm của Hardison kết thúc. Bi kịch hơn, sau liên tiếp những cuộc phẫu thuật kéo dài, anh bị mắc chứng nghiện cơn đau, khiến công việc kinh doanh cửa hàng lốp xe mới mở gặp nhiều khó khăn.

Đau lòng trước hoàn cảnh của Hardison, một người bạn của anh đã viết thư cho Tiến sĩ Rodriguez, người từng thực hiện cuộc phẫu thuật cấy ghép mặt năm 2012 tại Đại học Trung tâm Y tế Maryland, cầu xin sự giúp đỡ.

Nhận được thư, Tiến sĩ Rodriguez hồi đáp rằng ông sẽ cố gắng hỗ trợ trường hợp của Hardison và đưa anh vào danh sách đợi vào tháng 8/2014. Để thực hiện được ca phẫu thuật, Hardison cần một người hiến tặng có màu da, màu tóc, nhóm máu và cấu trúc xương phù hợp.

Một năm sau đó, các chuyên gia tìm được người phù hợp với Hardison. Đó là anh David Rodebaugh, 26 tuổi, qua đời trong một tai nạn xe đạp vào tháng 8/2015. Một đại diện đã liên hệ với mẹ của Rodebaugh và được bà chấp thuận.

Các bộ phận cơ thể khác của Rodebaugh như tim, gan, thận, giác mạc, xương và các mô da cũng đã được hiến tặng cho những bệnh nhân khác.

{keywords}
Người hiến tặng David Rodebaugh (trái) có những đặc điểm về da, tóc, nhóm máu, xương... phù hợp với Hardison. Bên phải là hình ảnh của Hardison trước tai nạn. (Ảnh: AP/ NYU Langone Medical Center)

Ca ghép mặt khó khăn được bắt tay vào thực hiện. Tiến sĩ Eduardo Rodriguez tiến hành tách da mặt, các mô, dây thần kinh và cơ bắp của người hiến. Cùng với đó, đội ngũ phẫu thuật cắt bỏ phần da trên mặt Hardison, ghép khuôn mặt mới cho anh và kết nối các mạch máu.

Hơn 100 bác sỹ, y tá, nhân viên kỹ thuật và hỗ trợ đã tham gia trong cuộc phẫu thuật kéo dài suốt 26 giờ tại Trung tâm Y tế Langone NYU.

{keywords}{keywords}{keywords}{keywords}
Sau ca phẫu thuật kéo dài 26 giờ, Hardison vui mừng chứng kiến diện mạo mới. (Ảnh: NYU Langone Medical Center)

Giờ đây, sau 3 tháng, mặc dù vẫn đang trong quá trình hồi phục, nhưng thị giác của Hardison đã dần có tiến triển, mang lại hi vọng nhìn lại được cho anh. Hardison sẽ tiếp tục uống thuốc để ngăn cơ thể đào thải phần được cấy ghép.

{keywords}
Khuôn mặt mới dần thích ứng với cơ thể Hardison. Râu tóc cũng bắt đầu phát triển. (Ảnh: AP)

Điều đặc biệt là, khuôn mặt mới của Hardison nhìn thoáng qua không khác gì một người bình thường, với sự pha trộn giữa các đặc điểm của người hiến tặng và khuôn mặt ban đầu.

Hardison cho biết, với diện mạo mới, anh đã có thể tự tin đi dạo phố, “Tôi từng bị nhìn chằm chằm mọi lúc mọi nơi, nhưng giờ tôi cũng giống như bao người”, anh cho biết

Cựu lính cứu hỏa hi vọng sẽ có những bài diễn thuyết và giúp đỡ các cựu binh bị thương. Anh cũng hi vọng sẽ học lái xe lại và bắt đầu một cuộc sống mới.

Lan Phương