Ghi nhận của PV VietNamNet, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn hạ nguồn từ cầu Thị Nghè (quận 1) kéo dài đến cầu Công Lý (quận 3) xảy ra tình trạng cá chết rải rác.

Tại khu vực gần cầu Điện Biên Phủ, mật độ cá chết nổi lên mặt nước khá dày gồm các loại cá như diêu hồng, cá chép, cá rô... với nhiều kích cỡ, có con to bằng bàn tay người lớn.

Ngoài cá tầng mặt bị chết còn có cả cá lóc, cá trê, ếch, chuột chết xen lẫn trong rác. 

Cá chết bị kẹt dưới chân cầu Điện Biên Phủ.
Xác cá xen lẫn với rác thải đoạn qua khu vực cầu Bông.

Cùng với hiện tượng cá chết, nhiều đoạn mặt nước sủi bọt đục ngầu, nhiều con cá ngoi lên mặt nước để đớp oxy.

Ông Hùng Dũng (ngụ quận 3) thường xuyên đạp xe dọc đường Hoàng Sa và Trường Sa nên cảm nhận rõ sự thay đổi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

"Hai hôm trước mặt nước kênh vẫn trong, cá vẫn bơi lội. Sau trận mưa lớn tối 15/4, sáng nay mặt kênh xuất hiện cá chết, nổi đầy mặt nước, xen lẫn cùng rác thải nổi lềnh bềnh", ông Dũng cho hay.

Ông Dũng cho rằng, các chất thải độc hại tích tụ lâu ngày từ cống thoát nước, bùn chứa khí độc bị sục lên sau mưa lớn khiến cá trên kênh chết vì thiếu oxy. Từ hôm qua, dọc bờ kênh đã xuất hiện tình trạng cá nổi lên mặt nước, đớp không khí để hô hấp.

Cá chết xen lẫn với rác nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Ngoài cá còn có ếch, chuột chết xen lẫn.

Người dân xót xa khi chứng kiến cá chết nổi đầy mặt kênh.
Cùng với cá chết, những con cá sống ở tầng mặt ngoi lên để đớp oxy.

Hầu như năm nào kênh cũng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt vào đầu mùa mưa. Nghiêm trọng nhất là vào năm 2016, công nhân môi trường đã vớt 70 tấn cá chết. Ngành chức năng TP.HCM phải rải hàng chục tấn hóa chất để xử lý môi trường và khuyến cáo người dân không nên sử dụng cá cho người và gia súc, hạn chế phóng sinh cá.

Những năm sau đó, UBND TP cũng tốn nhiều chi phí tái tạo nguồn cá, rải hóa chất nhằm thanh lọc nước những khu vực ô nhiễm cục bộ trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng sau cơn mưa đầu mùa, tình trạng cá chết lại xuất hiện.