HTML clipboard

- Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc CTCP ô tô khách Hà Tây cho biết: Công ty ông hiện đang đảm nhiệm vận hành 2 tuyến 75 (bến xe Yên Nghĩa – bến xe Hương Sơn) và 70 (bến xe Kim Mã – QL32 – Bến xe Sơn Tây). Qua hơn một tháng hoạt động, tính trung bình, mỗi lượt xe cũng chỉ có 5 – 6 khách. Cá biệt, có chuyến số tiền thu được chỉ vỏn vẹn 15.000 đồng.

Không có hành khách đi xe, doanh nghiệp kêu lỗ thê thảm. Tình trạng này đang diễn ra tại 10 tuyến buýt mới được tổ chức, điều chỉnh lại để phục vụ người dân sống tại khu vực Hà Tây cũ.

Vắng khách thê thảm

Đầu tháng 6, Sở GTVT Hà Nội đã liên tiếp ban hành các quyết định phê duyệt tổ chức lại hoặc điều chỉnh các tuyến buýt không trợ giá. Mục đích của việc điều chỉnh lại các tuyến buýt này là để phát triển mạng lưới vận tải hành khách chung chuyển (VTHKCC) thành phố sau khi Hà Nội mở rộng, tổ chức lại hoạt động xe buýt trong khu vực nội đô cho thống nhất.

Cụ thể, trước đây, các doanh nghiệp này vẫn hoạt động theo hình thức cũ là buýt kế cận. Sau khi Hà Nội mở rộng, các tuyến buýt kế cận này mặc nhiên trở thành buýt nội đô nên phải điều chỉnh lại để thống nhất một đầu mối quản lý cũng như hòa vào mạng lưới hoạt động chung của xe buýt thành phố.

Các tuyến buýt mới được tổ chức, điều chỉnh lại để phục vụ người dân sống tại khu vực Hà Tây cũ hiện rất ít khách.


Điều đáng nói là sau hơn một tháng đi vào hoạt động (bắt đầu từ 7/6/2011), lượng khách đi lại trên các tuyến trên không nhiều nếu không muốn nói là rất thấp.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc CTCP ô tô khách Hà Tây cho biết: Công ty ông hiện đang đảm nhiệm vận hành 2 tuyến 75 (bến xe Yên Nghĩa – bến xe Hương Sơn) và 70 (bến xe Kim Mã – QL32 – Bến xe Sơn Tây).

Qua hơn một tháng hoạt động, tính trung bình, mỗi lượt xe cũng chỉ có 5 – 6 khách. Cá biệt, có chuyến số tiền thu được chỉ vỏn vẹn 15.000 đồng.

“Để chuẩn bị đưa xe buýt trợ giá phục vụ bà con trên tuyến, UBND TP và Sở GTVT Hà Nội đã tiến hành dồn tuyến lại, điều chỉnh tuyến cho phù hợp với quy hoạch. Xe của chúng tôi đang chạy từ trước giờ rút về cũng chẳng biết làm gì. Bị đặt trong thế buộc phải chạy, chúng tôi chỉ phấn đấu làm sao để tiền mua dầu đổ vào xe, không cần các chi phí khác mà cũng chưa được”, ông Hưng nói.

Giám đốc Công ty TNHH du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến, đơn vị đang vận hành tuyến 76 (bến xe Sơn Tây – bến xe Trung Hà) Nguyễn Anh Tuấn cũng thừa nhận xe buýt phục vụ Hà Nội mở rộng chưa thu hút được người dân. Ông Tuấn tha thiết mong Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo hình thức đặt hàng.

Điều chỉnh hợp lý rồi mới trợ giá

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: Các tuyến xe buýt trên đều là tuyến cũ, và từ bao năm nay các tuyến này đã chạy rồi nên không có tình trạng không có khách mà chỉ là khách đông hay khách ít thôi. Sở dĩ mùa này ít khách là vì sinh viên đang nghỉ hè nên lượng hành khách đi xe buýt có giảm.

Trước tình trạng các doanh nghiệp vận tải “kêu” vì các tuyến buýt hoạt động rất ít khách, ông Linh cho biết: Quan điểm của thành phố là sẽ trợ giá cho các tuyến xe buýt phục vụ mạng lưới thủ đô, nhất là ưu tiên cho các vùng Hà Tây mở rộng để cho người dân được hưởng dịch vụ công bằng.

Tuy nhiên, trợ giá phải hợp lý trên cơ sở sắp xếp các tuyến phù hợp với mạng lưới xe buýt chung của Thủ đô.

“Sau khi chạy một thời gian rồi sẽ sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm rồi điều chỉnh tuyến và tần suất chuyến cho hợp lý thì đồng tiền trợ giá mới phát huy được tác dụng”, ông Linh nói.

Ông Linh cũng nói rõ, trợ giá ở đây không phải là trợ giá cho doanh nghiệp, mà trợ giá cho người đi xe buýt chung, vì thế nên cần phải tính toán thật kỹ nhu cầu đi lại và điều chỉnh tần suất cho hợp lý nhất, rồi sau đó mới xây dựng phương án trợ giá.

Khi có trợ giá rồi, nếu người dân thấy thuận tiện hơn và đi xe buýt đông hơn thì sẽ đạt được các mục đích cơ bản như: phục vụ người dân, giảm thiểu được phương tiện cá nhân vào khu vực nội đô, từ đó khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

“Bù lỗ ở đây không phải là bù lỗ cho doanh nghiệp, mà là phục vụ người dân hay nói thực chất là trợ giá cho hành khách đi xe buýt, nhưng cũng cho doanh nghiệp đảm bảo đời sống cho anh em của mình”, ông Linh khẳng định.

  • Vũ Điệp – Q. Dũng