Trong những ngày gần đây, câu chuyện lùm xùm mang tên Legends trong giải đấu vừa mới kết thúc vừa qua tại Trung Quốc. Ai đúng, ai sai cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn là một bí ẩn, đơn giản vì chính bản thân người trong cuộc cũng chưa chính thức lên tiếng đối chất.
 
Tuy nhiên có một điều đã cực kỳ chắc chắn, đó là scandal đáng buồn này của làng game Việt có liên quan tới việc cá độ vật phẩm ảo mà không ít game thủ chúng ta đang tham gia.
 
 
Trong công bố mới nhất mà một trong số những gamer CS:GO Legends bị nghi ngờ bán độ để nhận được những món vật phẩm ảo với tổng giá trị trên thị trường tự do lên tới 1.400 USD, họ thừa nhận “tự thua để nhận được số đồ ảo trị giá 1.000 USD từ một trader Việt Nam”. Trong khi đó 7 món vật phẩm in game còn lại nhận được từ phía TyLoo, đại diện đến từ Trung Quốc chỉ được coi là “quà tặng” mà phía TyLoo gửi.
 
Một điều đá quá rõ ràng, chính bản thân giá trị quá lớn của những món tài sản ảo này đã khiến không ít game thủ bị cuốn theo vòng xoay này, từ đó dẫn tới những hậu quả không mong muốn cho cả kết quả những trận đấu lẫn cộng đồng hâm mộ eSports.
 
Cá độ lan tới thể thao điện tử
 
Hãy nhắc lại một chút về cơ chế của những trang web cho phép game thủ theo những kèo cá độ trực tuyến những trận đấu thể thao điện tử.
 
 
Người chơi có thể đặt một hoặc nhiều món đồ ảo trong hòm đồ của mình cho một trong hai đội (hầu hết là DOTA 2 và CS:GO), và chờ đợi trận đấu diễn ra. Sau trận đấu, tùy vào sức mạnh và phong độ thi đấu, mỗi team sẽ có một tỷ lệ ăn chia khác nhau, dĩ nhiên team mạnh hơn thì người bet cũng sẽ sở hữu ít đồ hơn trong trường hợp họ thắng cuộc.
 
Chính vì thế, không ít game thủ cũng có tính toán đặt bet vào những team yếu hơn trong những cặp đấu, để có cơ hội nhận được nhiều đồ hơn. Tính toán này của họ nghe có vẻ liều lĩnh, nhưng họ cũng có cái lý của mình.
 
 
Thường trong những trận đấu với đối thủ yếu hoặc không có vai trò quyết định đến cả giải đấu, không ít top team quyết định “throw game” để nghỉ ngơi hoặc thử nghiệm một số chiến thuật mới họ chưa có cơ hội sử dụng. Đôi lúc, những team tưởng chừng ở chiếu dưới lại có thể có được những thắng lợi cực kỳ dễ dàng trong những trận đấu như vậy. Đó cũng là lúc những game thủ của chúng ta được hưởng lợi từ sự liều lĩnh.
 
Thua “ăn nhiều” hơn thắng?
 
Hãy quay lại với câu chuyện bán độ. Trong quá khứ, những game thủ đỉnh cao của nước ngoài cũng không thiếu lần dính vào những scandal nghi vấn bán độ. Điều quan trọng là việc bán độ có liên quan cực kỳ mật thiết tới việc cá cược trực tuyến trên đây.
 
Hẳn các bạn còn nhớ cụm từ đã đi vào huyền thoại của làng DOTA thế giới: “322”. Đội trưởng team DOTA 2 đến từ nước Nga RoX.KIS, vì muốn thắng khoản tiền cá cược chỉ vài ba trăm USD mà đã tự bán độ, dẫn tới kết quả thua trước đội đồng hương zRage.
 
 
Đó cũng là một trong những lần một trận đấu tưởng chừng không có bất kỳ thay đổi nào tới cả giải đấu lại trở thành một scandal lùm xùm. Điều này chứng minh rằng, không chỉ những fan hâm mộ, mà ngay cả những game thủ chuyên nghiệp đôi khi cũng có thể “kiếm thêm” bằng việc throw game, dĩ nhiên là trong trường hợp họ không để bại lộ việc cá cược.
 
Câu chuyện của chúng ta đã diễn ra theo một hướng hoàn toàn khác khi thay vì có những vụ cá cược vui vẻ bằng item trong game, chính giá trị của những món đồ này đã khiến tâm lý của một số game thủ chuyên nghiệp thay đổi. Lấy ví dụ, một món đồ trong CS:GO có thể có cái giá lên tới vài trăm USD, cộng với việc bet kèo dưới với tỷ lệ ăn chia lớn hơn, một game thủ có thể kiếm được cả gia tài trong trường hợp team mạnh hơn thất bại.
 
Giá trị của đồ ảo đôi khi là rất lớn.
 
Đó chính là lý do vì sao trader Việt Nam trong scandal Legends.GO đã bỏ ra tới 1.000 USD để xúi giục các thành viên của team này bỏ game. Và đó cũng chính là lúc “bán độ, tiền nhận được còn hơn cả tiền vô địch”. Kết cục ra sao chúng ta đều đã biết.
 
Giữ vững bản lĩnh
 
Trước những khối tài sản trị giá cao như vậy, không ít game thủ Việt đã lên tiếng cho rằng cám dỗ là quá lớn, và với những khó khăn hiện tại, thật khó để game thủ chúng ta có thể giữ được bản thân trước những lời mời chào như thế này.
 

 
Chính vì thế, cùng lúc hai vấn đề đã tồn tại từ lâu trong cộng đồng game thủ lại được đưa ra bàn luận. Một mặt, dù kết quả trận đấu thắng hay thua, thì tâm lý thi đấu và sự trung thực vẫn là điều cần nhất ở bản thân những game thủ chuyên nghiệp.
 
Trong khi đó, một câu hỏi lớn lại được đặt ra, đó là cho tới khi nào những game thủ chuyên nghiệp của chúng ta có được điều kiện tập luyện và thi đấu ổn định để không bị lung lay trước những cám dỗ, đặc biệt là khi cá độ đã len lỏi vào làng eSports và với giá trị là rất lớn, giống như rất nhiều các bộ môn thể thao khác.
 
Theo Tri Thức Trẻ