- EURO 2012 “nóng” không chỉ bởi việc người hâm mộ (NHM) sẽ được thưởng thức những trận bóng đỉnh cao mà còn “nóng” bởi những quán cà phê, tiệm cầm đồ sẽ hoạt động hết công suất để phục vụ cho những tín đồ mê “đỏ đen”. 

Tiệm cầm đồ: “6% là hữu nghị rồi”

Có thể nói, việc “say độ” của không ít người hâm mộ chính là nguyên nhân khiến các tiệm cầm đồ “ăn nên làm ra” sau mỗi mùa EURO. Bởi vào mỗi mùa bóng lăn, họ thường thức khuya hơn, lãi suất cao hơn và người ra kẻ vào tất nhiên cũng tấp nập hơn.
 
Theo chân T, một tay cá độ “bán chuyên nghiệp” ở Q.Tân Bình (TP.HCM), tôi tấp vào một tiệm cầm đồ trên đường Nghĩa Phát.

Một điểm cá độ bị CA.TPHCM triệt phá - Ảnh: minh họa báo Lao Động


Lấy lí do là cần tiền để “chơi” trận khai mạc vào ngày mai (8.6), tôi cầm chiếc ĐTDT với giá hơn 500 ngàn.

Cầm tờ giấy biên nhận, tôi tròn mắt với lãi suất lên đến 6%/ngày. Thấy tôi ngạc nhiên, chủ tiệm gằn giọng: “Mùa này có lên trời cũng không đào ra 6%/ngày đâu”.
 
Khi chúng tôi vừa quay đi, chủ tiệm không quên “nhắc nhở” : “Khi nào “kẹt” cứ qua đây, mùa này quán anh phục vụ 24/24”.

Nghe vậy, tôi nhanh miệng hỏi lại : “Khuya mai thắng “độ”, em tới chuộc lại điện thoại liền được không”. Chủ tiệm đứng trong quầy nói vọng ra : “Anh cũng thức cả đêm coi bóng đá như mấy chú thôi, tiện thể coi quán luôn”.

Có ít “vốn” và theo sự chỉ dẫn của T, chúng tôi đến một “ổ” cá độ trên đường Lạc Long Quân.

Tụ điểm cá độ nhiều như “nấm sau mưa”

Chưa đầy 20 phút, chúng tôi đã ghé vào tới 4 “ổ” cá độ lớn, nhưng không có chỗ nào cho chơi vì lí do “vốn” của chúng tôi quá khiêm tốn. Theo lời T thì ở đây người ta toàn chơi “chai” (tiền triệu) trở lên nên dân tập tễnh học đòi như tôi không “kham” nổi.
 
Lòng vòng một hồi, T chở tôi đến quán cà phê T.M trên đường Lê Thúc Hoạch, Q. Tân Phú. Quán chỉ có vài ba cái ghế nhựa và một cái bàn nhỏ, nhưng có đến chục người chụm lại bàn tán rất xôm tụ.

T. nói nhỏ: “Vô mua kèo thôi”.Tò mò, tôi đánh bạo đi vào và tìm hiểu xem mua kèo là thế nào.
 
Người đàn ông tuổi ngũ tuần gián mắt vào những tờ giấy để ghi kèo, miệng thì luôn mồm trả lời những câu hỏi về giá kèo: “Ba Lan thắng Hy Lạp 2-0 thì 1 ăn 3, 2-1 ăn 6, 3-1 ăn 10”…

Sau một hồi chen lấn, chúng tôi cũng nhận được tờ “phơ” biên nhận mua kết quả. Khi thấy tôi hỏi có vẻ nghi ngờ rằng nếu thắng thì có chắc nhận được tiền không và nhận bằng cách nào, người đàn ông nhăn mặt: “Đây làm ăn uy tín cả chục năm nay rồi, ăn thì cứ mang giấy tờ (phơ) tới, tiền trao cháo múc”…

Đi dọc các con phố ở phường 10, 11, 12 quận Tân Bình, hay Lê Thúc Hoạch, Võ Hoành, Vườn Lài quận Tân Phú… không khó để nhận ra những quán cà phê kiêm tụ điểm “làm ăn nhỏ” của các “chủ kèo” trong mùa EURO.

Người mua kèo ở đây đủ mọi tầng lớp, từ công chức, xe ôm, buôn bán nhỏ, cho tới cả học sinh, sinh viên.

Theo lời T. thì giá kèo ở đây cũng không có sự phân biệt giữa “cò lớn” và “cò con” như ở đường Lạc Long Quân, vì “từ vài chục ngàn cho tới vài trăm ngàn hay tiền triệu chủ kèo đều mua hết”.

Những hậu họa tiềm ẩn sau mùa EURO

Ước mơ làm giàu không chính đáng cộng với việc các tụ điểm cá độ phát triển ngày càng mạnh mẽ đã khiến một bộ phận NHM từ chỗ “say bóng” chuyển sang “say độ” và lún sâu vào vòng xoáy đỏ đen.
 
Cứ sau mỗi mùa EURO, người được hưởng lợi không ai khác chính là những chủ độ, chủ tiệm cầm đồ và những kẻ cho vay nặng lãi.

Còn người chơi, đa phần họ là những kẻ thất bại. Một khi không còn đủ sức để chơi tiếp, tư tưởng “được ăn cả, ngã về không” khiến họ phải làm liều.

Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng trăm gia đình phải điêu đứng khi chủ nợ đến báo các khoản nợ lên tới hàng trăm triệu đồng. Và không ít con nợ đã phải “trả giá” bằng cách kết thúc cuộc đời mình.
 
Văn Đức Nam