Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, có diện tích 5.294km2, bằng 1,58% diện tích cả nước, chiếm 12,97% diện tích khu vực ĐBSCL. Cà Mau là tỉnh có đường bờ biển dài nhất Việt Nam, với tổng chiều dài 254km, tiếp giáp biển Tây và biển Đông.

Phát huy lợi thế là một trong 4 tỉnh, thành kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có 3 mặt giáp biển, Cà Mau đang triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư, góp phần phát triển toàn diện, bền vững kinh tế- xã hội của tỉnh cũng như toàn vùng.

"Ở Cà Mau đất biết nở, cây biết đi".

Tại Đất Mũi Cà Mau phù sa lắng đọng thành những bãi bồi rộng lớn, vươn ra khơi xa. Mỗi năm đất lấn thêm ra biển trên đất bãi bồi từ 80 đến 100m. Người ta thường nói "Ở Cà Mau đất biết nở, cây biết đi". 

Cà Mau có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau được tổ chức UNESCO công nhận vào tháng 5/2009 với diện tích tự nhiên 371.506ha, bao gồm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ, Rừng phòng hộ và bãi bồi ven biển Tây. Đây là rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam và nổi tiếng trên thế giới, lưu giữ được diễn thế nguyên sinh của hệ sinh thái rừng ngập mặn trên đất mới bồi tụ. Những giá trị tự nhiên quý hiếm của Khu Dự trữ sinh Quyển thế giới Mũi Cà Mau tạo ra những thế mạnh lớn phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái.

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau được tổ chức UNESCO công nhận vào tháng 5/2009 với diện tích tự nhiên 371.506ha, bao gồm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ, Rừng phòng hộ và bãi bồi ven biển Tây.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên là 41.862 ha, trong đó diện tích phần đất liền 15.262ha và ven biển 26.600ha. Tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có điểm du lịch Công viên Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau với diện tích 159,7ha là vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc thiêng liêng mà bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng mong ước một lần được đến. Du khách tham quan Cột mốc Tọa độ quốc gia GPS0001 và biểu tượng tiểu cảnh panô hình tượng chiếc thuyền căng đầy gió, con tàu của đất nước luôn hướng ra biển khơi, chinh phục Vọng lâm đài, ngắm toàn cảnh điểm giáp nhau giữa biển Đông và biển Tây, thưởng thức các món đặc sản vùng Đất Mũi.

Cùng với hệ sinh thái ngập mặn, Cà Mau còn có hệ sinh thái rừng ngập ngọt tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ có tổng diện tích 40.744ha, trong đó có 8.527,8ha là rừng nguyên sinh. Du khách có thể theo chân những người thợ gác kèo ong vào rừng ăn ong, lấy mật và tham gia vào các thú vui dân dã như chụp đìa, giăng lưới, câu cá, đặt lờ, thả câu...thưởng thức các món ăn đặc sản của xứ sở rừng tràm, nhâm nhi ly rượu trái giác, thứ nho rừng trứ danh của vùng đất U Minh.

“Cà Mau - Điểm đến 2022”

Đánh giá về lợi thế thu hút đầu tư của Cà Mau - địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh tại Cần Thơ khẳng định: Đây là tỉnh có vị trí nằm tại trung tâm biển của các nước Đông Nam Á, trên tuyến đường hành lang kinh tế ven biển phía Đông của vùng biển Tây Nam Bộ và tuyến hành lang kinh tế Campuchia-Việt Nam-Thái Lan, rất thuận tiện cho các hoạt động giao thương.

Bên cạnh nhiều lợi thế trong phát triển nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, tạo vùng nguyên liệu vững chắc,  với 254 km chiều dài bờ biển, Cà Mau còn có hệ sinh thái rừng ngập mặn và ngập ngọt, có khu dự trữ sinh quyển và khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng) thế giới.... rất phù hợp để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư, phát triển kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo.  

Bởi vậy, Cà Mau đã xây dựng định hướng phát triển tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng du lịch – dịch vụ trong GDP; tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, tăng nguồn thu cho ngân sách; tạo tiền đề cho các ngành nghề khác phát triển.

Bên cạnh đó, phát triển du lịch theo hướng bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa du lịch, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch. Cà Mau đã tích cực xúc tiến, kêu gọi, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm năng quan tâm về thế mạnh du lịch của Cà Mau, nhất là các trọng điểm du lịch để hình thành những khu du lịch có tầm vóc, quy mô, tạo cú hích lớn cho việc phát triển. Hiện nay, chỉ trong một ngày, khách du lịch có thể đến với nhiều điểm du lịch khác nhau, thưởng thức nhiều loại thực phẩm vùng ngọt, vùng mặn và hải sản; trải nghiệm nhiều loại hình sinh hoạt độc đáo như: đờn ca tài tử, câu cá, ăn ong, đặt lọp…

Đặc biệt, “Chương trình Cà Mau điểm đến” chính là diễn đàn quan trọng để có thể gặp gỡ với các chuyên gia du lịch, doanh nghiệp du lịch, các địa phương có thế mạnh du lịch, làm tiền đề cho những hợp tác, những cái bắt tay thiện chí, đầy đủ tin cậy để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của du lịch địa phương. Trong đó có cả việc đào tạo, bổ sung và chuyên nghiệp hoá đội ngũ nhân lực làm du lịch tại địa phương.

Ngọc Hiển