Clip: Kiên trì nuôi loài cá xấu xí, dân bán giá cao nhờ thịt ngon.

Tuy có vẻ ngoài khá xấu xí, nhưng cá chình, cá bống tượng lại có chất lượng thịt vượt trội, nhiều người ưa chuộng.

Cá chình, bống tượng là loài có nhiều đạm, nổi tiếng về sự bổ dưỡng, thịt béo thơm, lành và có thể chế biến thành nhiều món ngon. Ngoài ra, theo nhiều người cá chình còn có tác dụng tráng dương bổ thận, nên rất được ưa thích.

Trong những năm gần đây, nhu cầu của thị trường về cá chình, cá bống tượng thương phẩm tăng mạnh, với giá luôn dao động trên dưới 450.000 đồng/kg (tùy loại), có lúc lên đến hơn 600.000 đồng/kg. Cũng từ đây, nhiều hộ dân ở xã Tân Thành, TP.Cà Mau (Cà Mau) chọn nuôi cá chình, cá bống tượng để mang lại thu nhập khá cho gia đình. Xã Tân Thành cũng được xem là thủ phủ của 2 loài cá này.

{keywords}
Loài cá chình được ưa chuộng bởi chất lượng thịt ngon. Ảnh: Chúc Ly.

Nhận thấy tiềm năng từ mô hình, ông Huỳnh Văn Hận (67 tuổi, ngụ ấp 3, xã Tân Thành) đã xây dựng mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng trên diện tích 1,3ha, với 21 ao nuôi.

Chia sẻ với phóng viên báo điện tử DANVIET.VN, ông Hận cho biết: “Tôi đã tiếp cận mô hình nuôi cá chính, bống tượng này khoảng 28 năm. Mô hình này không tốn nhiều công chăm sóc, năm nay tôi đã lớn tuổi nên cũng rất phù hợp khi áp dụng. Sau mỗi vụ nuôi, gia đình tôi thu lãi hơn 300 triệu đồng”.

{keywords}
Ông Hận thu về hơn 300 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng. Ảnh: Chúc Ly.

Tuy trải qua nhiều thăng trầm với sự biến động thường xuyên của thị trường, nhưng chính nhờ sự cần cù, ham học hỏi, ông Hận đã thành công với mô hình này trong nhiều năm liền.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá với phóng viên báo điện tử DANVIET.VN, ông Hận cho biết, trước tiên phải đào ao cho chuẩn để tránh việc cá chình, cá bống tượng đào hang. Kế đến là khâu xử lý ao nuôi và nguồn nước đạt yêu cầu (trong khoảng 1 tháng) rồi mới tiến hành thả giống. Để đảm bảo cá lớn nhanh, ngoài chế độ ăn phù hợp thì mực nước trong ao luôn trên 1,5m. “Với 21 ao nuôi, sau 18 tháng nuôi cá chình, bống tượng có trọng lượng khoảng 1kg/con, tôi phải mua 16kg cá phi, cắt nhỏ để cho cá ăn mỗi cử (2 ngày)” - ông Hận cho hay.

{keywords}
Người dân dùng lưới kéo cá chình khi thu hoạch. Ảnh: Chúc Ly.

Cũng theo ông Hận, có nhiều yếu tố quyết định đến sự thành công của vụ nuôi nhưng nguồn cá giống đóng vai trò quan trọng nhất. Khi mua cá giống, người dân thường chọn những con nhanh nhẹn, đều cỡ, nhiều nhớt…Nguồn giống được hộ nuôi mua tại các cơ sở kinh doanh có uy tín trên địa bàn với giá dao động khoảng 180/kg (tùy loại).

Để theo dõi cá, người nuôi dùng một chiếc vó để cho cá ăn, từ đó giúp họ kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường trên cá và đưa ra xử lý phù hợp. Thông thường, vụ nuôi mới bắt đầu vào khoảng tháng 6 âm lịch. Đặc biệt, người dân có thể tận dụng các loại cá tạp với giá rẻ ở địa phương để làm thức ăn, nên tiết kiệm được khoảng chi phí nuôi.

{keywords}
Theo nhiều hộ nuôi có thâm niên, cá chình và cá bống tượng là loài có sức đề kháng cao, ít rủi ro…Ảnh: Chúc Ly.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo điện tử DANVIET.VN, ông Trương Tấn Nghiệm - Chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho biết: “Diện tích nuôi cá chình và cá bống tượng trên địa bàn xã là khoảng 243ha, trong đó, cá chình 176ha, cá bống tượng 76ha, với hơn 200 hộ nuôi. Nhiều hộ nuôi lâu năm có kinh nghiệm nên mô hình phát triển bền vững, tăng thu nhập cho gia đình”.

Cũng theo ông Nghiệm, hiện vấn đề đầu ra còn gặp khó do bán chủ yếu cho các tiểu thương. Trong thời gian qua, địa phương cùng các sở ngành tập trung tìm đầu ra ổn định cho bà con. Địa phương cũng phối hợp với UBND TP.Cà Mau quy hoạch lại vùng nuôi và hướng dẫn người dân nuôi theo tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng theo thương hiệu được Cục sở hữu trí tuệ công nhận. Bên cạnh đó, UBND xã liên hệ với các ngân hàng tạo điều kiện cho hộ dân được tiếp cận nguồn vốn vay, ổn định đời sống.

(Theo Dân Việt)