Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Từ đó làm nền tảng vững chắc cho cả khu vực năng động này trong tương lai với kỳ vọng “bứt phá”.

Sau ba năm thực hiện Nghị quyết 120, nơi cực Nam tổ quốc, Cà Mau đã và đang có nhiều giải pháp phát triển kinh tế xã hội thích ứng với biến BĐKH.

Dịp sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, ông Lê Quân - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chia sẻ: Nghị quyết 120 với các quan điểm chỉ đạo và các giải pháp mang tính đột phá, thể hiện một tầm nhìn, khát vọng phát triển nhanh, bền vững, “thuận thiên” của vùng ĐBSCL.

Ba vấn đề được Nghị quyết 120 nhấn mạnh, cũng là ba thách thức rất lớn đối với Cà Mau trong quá trình phát triển: giữ đất, giữ nước, giữ người. Đây là ba vấn đề rất lớn và quan trọng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Với Cà Mau, hiểu đơn giản, giữ đất là phòng chống sạt lở, không để mất đất ven sông, ven biển; giữ nước là quản lý có hiệu quả nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân; giữ người là bảo vệ tính mạng, sự sống và phát triển của con người, hạn chế tình trạng di dân, dịch chuyển lao động đi nơi khác.

Mũi Cà Mau

Cà Mau có bờ biển dài 254 km; thời gian qua trên toàn tuyến bờ biển có khoảng 150km bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, mỗi năm sạt lở từ 20-50m, bình quân mỗi năm bờ biển của Cà Mau bị sạt lở mất khoảng 450ha. Bên cạnh đó, sạt lở bờ sông cũng là vấn đề lớn đặt ra với Cà Mau giống như nhiều tỉnh ĐBSCL. Giữ đất của Cà Mau đồng nghĩa với giữ rừng. Với nước biển dâng và BĐKH, do lượng phù sa giảm mạnh, rừng ven biển của Cà Mau bị giảm nhanh chóng. Trên nhiều tuyến đê biển Tây đã không còn rừng ven biển. Hình ảnh “đất biết sinh, rừng biết đi” được biết đến trước đây giờ không còn phù hợp nữa.

Thời gian qua, với sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành Trung ương, sự cố gắng nỗ lực của Cà Mau, trong hơn 10 năm qua tỉnh đã xây dựng được hơn 50km kè bảo vệ bờ biển. Kết quả đạt được khá tốt, nhưng so với yêu cầu thì còn thiếu hụt rất xa, chỉ mới kè được khoảng 30% các đoạn bờ biển sạt lở nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, chỉ mới bảo vệ được 20% chiều dài bờ; với nguồn lực và tiến độ như hiện nay thì 40 năm nữa Cà Mau mới hoàn thành việc bảo vệ bờ biển.Trong khi đó, điều khó khăn nhất trong bảo vệ bờ biển hiện nay là thiếu nguồn lực đầu tư; trong khi đó, các qui định pháp luật hiện hành quản lý rất nghiêm ngặt vùng ven biển, chúng ta chưa có cơ chế, chính sách để huy động, thu hút nguồn lực đầu tư.

Để giữ đất, Cà Mau đang thay đổi cách tiếp cận nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Thay vì bị động hoặc trông vào các giải pháp đê cứng, Cà Mau tiếp cận thu hút phát triển kinh tế biển ven bờ gắn với hệ thống “đê, kè mềm”, phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản ven bờ gắn với tạo các lớp chắn sóng, tạo vùng bồi lắng và tái tạo rừng ngập mặn.

Ví dụ, dự án điện gió góp phần chắn sóng và gió; dự án điện mặt trời ven biển với hệ thống kè mềm chắn sóng góp phần tạo vùng bồi lắng và vùng nước nuôi biển. Thay vì phá bỏ rừng để phát triển kinh tế, các dự án sẽ giúp giữ đất, tái trồng rừng ngập mặn. Hiện tiếp cận này được nhiều doanh nghiệp quan tâm lập dự án; nhất là dọc bờ biển Tây của Cà Mau. Qua đó, tỉnh Cà Mau sẽ giảm được áp lực đầu tư công vào các công trình đê kè ven biển.

Tuy nhiên, điểm vướng mắc hiện nay là thủ tục cấp phép đầu tư gặp khó khăn do vướng mốc giới rừng. Thực tế rừng không còn do đã bị sóng đánh tan; nhưng trên hồ sơ, mốc giới vẫn là rừng. Do đó, Cà Mau đang kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành đánh giá đúng thực trạng rừng hiện nay, và tăng thẩm quyền, sự chủ động của địa phương hơn. 

Giải pháp kè ven biển đã và đang phát huy tác dụng bảo vệ vành đai rừng phòng hộ ven biển và vùng đất sản xuất bên trong tại Cà Mau.

Trần Thường