Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài chính; Sở Y tế; Sở Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau triển khai thực hiện Chỉ thị số 8974/CT-BNN-TY ngày 26/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm ở động vật.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên động vật và trên người trong năm 2024 đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (WOAH/OIE), từ đầu năm 2024 đến nay, trên toàn thế giới đã xảy ra 544 ổ dịch cúm gia cầm với tổng số gia cầm mắc bệnh hơn 39 triệu con, số gia cầm chết, hủy hơn 33,6 triệu con.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) từ tháng 3/2024 đến nay, bệnh cúm A/H5 đã được ghi nhận trên 440 con bò sữa tại 15 bang và vào tháng 10/2024, virus cúm A/H5 lần đầu tiên phát hiện trên lợn ở quốc gia này.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, đã xảy ra 14 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 9 tỉnh, làm gần 100.000 con gia cầm mắc bệnh, bị chết và bị tiêu hủy (tăng 2,64 lần so với cùng kỳ năm 2023), có 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên động vật hoang dã (hổ, báo) nuôi nhốt tại các tỉnh Long An và Đồng Nai.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, hạn chế thấp nhất virus cúm gia cầm lây nhiễm và gây tử vong cho người, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các văn bản của Thủ tướng Chính phủ.
Các địa phương có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, cần tập trung mọi nguồn lực để tổ chức kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; tổ chức thực hiện điều tra dịch tễ đối với trường hợp gia cầm dương tính với virus cúm gia cầm A/H5 và thực hiện xử lý ổ dịch theo quy định; triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường tại các khu vực phát hiện gia cầm dương tính với virus cúm gia cầm A/H5.
Địa phương rà soát, tổ chức tiêm vaccine cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng.
Tổ chức giám sát chủ động virus cúm gia cầm trên gia cầm; căn cứ thực tế dịch bệnh tại các địa phương thời gian vừa qua để chủ động giám sát trên các loài động vật mẫn cảm, động vật hoang dã để tăng cường giám sát, phát hiện sớm mầm bệnh, không để dịch bệnh lây lan trên nhiều loài động vật, lây lan sang con người.
Thực hiện chỉ đạo trên của Bộ NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ đảm bảo kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, phối hợp chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố Cà Mau theo chức năng, nhiệm vụ được giao, địa bàn quản lý, chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu các sở, ban ngành có liên quan và các địa phương thường xuyên rà soát, kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện, các khó khăn, vướng mắc phát sinh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn thực hiện.
Đình Sơn