UBND TP Cà Mau và UBND các xã, phường tiếp tục chỉ đạo các Tổ Công nghệ số cộng đồng hướng dẫn doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử (TMÐT), mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng hình ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương. Hiện nay, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn đều đã áp dụng hình thức bán hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến.

Phòng Kinh tế phối hợp với Phòng Văn hoá và Thông tin thành phố, VNPT Cà Mau chọn 10 DN thực hiện mô hình DN công nghệ số (bao gồm: Công ty TNHH TMDV Sài Gòn - Cà Mau (Trung tâm Thương mại Sense City Cà Mau), Công ty Cổ phần Bệnh viện Hoàn Mỹ Minh Hải, Công ty Xăng dầu Cà Mau, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Ô tô Nam Bình Cà Mau, Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau, Công ty TNHH Ô tô Thanh Thảo, Khách sạn Ánh Nguyệt, Công ty TNHH MTV Nguyễn Gia Cà Mau, Công ty TNHH Dịch vụ Môi trường Cà Mau, Công ty TNHH Thuý Lực). Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này ra thêm một số cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn.

Các ngành chức năng thành phố và UBND xã, phường tiếp tục phối hợp duy trì và nhân rộng mô hình “Tuyến phố không dùng tiền mặt”. Hiện nay đã xây dựng được 43 tuyến đường/cụm dân cư tại 17 đơn vị xã, phường với mô hình “Tuyến phố không dùng tiền mặt”, “Khu dân cư không dùng tiền mặt”... Thực hiện mô hình Chợ 4.0 tại 4 điểm chợ, gồm: chợ Phường 1; chợ đường Nguyễn Hữu Lễ, Phường 2; chợ An toàn thực phẩm Phường 5 và chợ khu B, xã Tắc Vân.

Tổ Công nghệ số cộng đồng Phường 6 ra quân vận động xây dựng Tuyến phố không dùng tiền mặt trên tuyến đường Lý Thường Kiệt.

Bà Mã Tố Phương, Trưởng khóm, Tổ trưởng Tổ Công nghệ số cộng đồng Khóm 2, Phường 6, cho biết: “Trên địa bàn khóm đã xây dựng được 2 tuyến đường không dùng tiền mặt, gồm đường Lý Thường Kiệt và đường 3/2. 100% cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh trên địa bàn khóm đều đã được tạo QR Code; trên 80% đã sử dụng hoá đơn điện tử. Các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh và người dân đều đồng tình ủng hộ việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt”.

Phòng Kinh tế thành phố đã vận động, kết nối các chủ thể đưa các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch TMÐT nhằm giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh, các chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ, ứng dụng chuyển đổi số vào bán hàng, phát triển kinh doanh Online. Kết quả, hiện có 12 chủ thể với 24 sản phẩm được đưa lên các sàn TMÐT như: madeincamau.com, Shopee, Lazada, Tiki, Azibai...

Ngoài ra, các ngành chức năng thành phố còn tích cực hỗ trợ DN ứng dụng chữ ký số, thực hiện hợp đồng điện tử, hoá đơn điện tử, khai báo thuế điện tử. Ðến nay, thành phố đã vận động 100% DN sử dụng hoá đơn điện tử.

Ông Phạm Văn Khanh, Phó trưởng phòng Kinh tế TP Cà Mau, thông tin: “Ðể thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế số, thời gian tới, Phòng Kinh tế tiếp tục tuyên truyền, vận động kết nối các chủ thể duy trì và nhân rộng việc đưa tất cả các sản phẩm OCOP của thành phố lên trang TMÐT theo kế hoạch. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến để các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tiếp cận, sử dụng các nền tảng số, chuyển đổi số DN nhỏ và vừa tại địa chỉ smedx.vn. Ðồng thời, khuyến khích các DN sử dụng công cụ hỗ trợ đánh giá mức độ chuyển đổi số DN được cung cấp miễn phí tại địa chỉ dbi.gov.vn. Ðặc biệt, ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế số như: nông nghiệp, thương mại, du lịch...”.

Theo Thái Trinh (Báo Cà Mau)