Những năm qua, tỉnh Cà Mau xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Việc xây dựng nông thôn mới phải đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, không chạy theo thành tích, đảm bảo tiêu chí quy định, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương. Gắn xây dựng nông thôn mới với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và quá trình đô thị hóa hiệu quả, bền vững.

Tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm các xã Ðông Hưng (huyện Cái Nước), Tân Duyệt (huyện Ðầm Dơi), Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời), Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển). Bên cạnh đó, có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Khánh Bình (huyện Trần Văn Thời), Trí Phải (huyện Thới Bình), Phú Thuận (huyện Phú Tân), Hàng Vịnh (huyện Năm Căn).

Cà Mau phấn đấu đến cuối năm 2023 có 4 xã đạt nông thôn mới nâng cao.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 54/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 65,8%; trong đó có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đạt bình quân 16,5 tiêu chí/xã (năm 2010 bình quân 3,5 tiêu chí/xã). Thành phố Cà Mau là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Hạ tầng khu vực nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ngày càng được thu hẹp.

Công tác xây dựng nông thôn mới đảm bảo phát triển hài hòa, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ gắn với cơ cấu lao động, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân và dân cư nông thôn. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên...

Nhận thức về xây dựng nông thôn mới nâng lên rõ rệt; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới được phát huy. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; quốc phòng - an ninh được bảo đảm.

Phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao dần đi vào ổn định; chú trọng hơn vào chất lượng, không chạy theo thành tích. Nhiều chủ trương mới được ban hành phù hợp với từng địa phương trong giai đoạn mới; tâm thế của người dân đã sẵn sàng, chủ động hơn trước. 

Tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu đến năm 2025, có 80% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 66/82 xã); trong đó 30% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tương đương 20/66 xã). Trong số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tương đương 2/20 xã), không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. 30% đơn vị cấp huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (tương đương 3/9 đơn vị cấp huyện, thành phố).

Đến năm 2030, tỉnh có 90% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 74/82 xã); trong đó, có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tương đương 37/74 xã). Trong số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 20% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tương đương 7/37 xã). 70% đơn vị cấp huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (tương đương 6/99 đơn vị cấp huyện); trong đó phấn đấu hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Để đạt những mục tiêu đề ra, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp quan trọng là tập trung tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân nhận thức được vai trò chủ thể, đồng lòng chung tay, chung sức tích cực tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Nhân rộng các mô hình hiệu quả, các điển hình tiên tiến, các kinh nghiệm và cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương theo liên kết chuỗi giá trị. Triển khai mạnh mẽ hơn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn.

Củng cố tổ chức bộ máy, hệ thống quản lý, tham mưu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp theo hướng chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa, nhất là cấp huyện và cơ sở. Khẩn trương cụ thể hóa, ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện các Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới để triển khai thực hiện.

Xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn theo quy hoạch, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực đầu tư công. Tích cực huy động nguồn lực xã hội để tham gia đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn. Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn.

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công. Triển khai đồng bộ các giải pháp giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh, bài trừ tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh nông thôn…

Nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch nông thôn để đảm bảo đáp ứng mục tiêu của quy hoạch là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quy hoạch nông thôn phải đảm bảo tính kết nối giữa nông thôn - đô thị, nông thôn - vùng phát triển công nghiệp, nông thôn - vùng phát triển du lịch dịch vụ và tính đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững.

Củng cố, nâng chất lượng các tiêu chí trên địa bàn các xã đã được công nhận đạt chuẩn (nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao) theo Quyết định số 486/QĐ-UBND ngày 16/3/2023 kèm theo Bộ tiêu chí xã đạt chuấn nông thôn mới kiếu mẫu trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025.

Vĩnh Sang, và nhóm PV, BTV