Không có nổi 1.000 người mua xe

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2021 có 9 tỉnh mua ô tô con ít nhất cả nước, chưa đến 1.000 xe các loại với mỗi địa phương.

Cụ thể, tỉnh Lai Châu xếp thứ 63 với 639 xe, Hậu Giang xếp thứ 62 với 668 xe, Bạc Liêu xếp thứ 61 với 704 xe, Bắc Kạn xếp thứ 60 với 708 xe, Trà Vinh xếp thứ 59 với 829 xe, Điện Biên xếp thứ 58 với 878 xe, Sóc Trăng xếp thứ 57 với 906 xe, Ninh Thuận xếp thứ 56 với 937 xe, KonTum xếp thứ 55 với 975 xe.

Tổng cộng cả 9 tỉnh này mua có 7.244 xe, chiếm 2,3% thị phần ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống, chỉ tương đương với con số của tỉnh nhỏ là Bắc Ninh và kém xa các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An. Còn so với Hà Nội mua tới 50.928 xe, chiếm 16% thị phần, thì càng xa hơn nữa.

{keywords}
Giá ô tô Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nước như Thái Lan, Indonesia.

Các tỉnh này chủ yếu thuộc vùng núi phía Bắc và ĐBSCL, cùng hai tỉnh miền Trung, Tây Nguyên có dân cư thưa thớt, dưới 1 triệu người. Khu vực miền núi phía Bắc và Kon Tum có nhiều đồi núi, hạ tầng giao thông chưa phát triển. Trong số này, có 3 tỉnh thuộc top 10 tỉnh nghèo là Điện Biên, Kon Tum và Sóc Trăng. Thu nhập bình quân đầu người của 9 tỉnh này từ 70 triệu đồng/năm trở xuống.

Với các tỉnh miền núi phía Bắc, do địa hình núi cao, giao thông chưa phát triển và nhiều đồng bào dân tộc cuộc sống còn nghèo. Để có được một vài chiếc xe máy và tivi tươm tất với mỗi gia đình cũng không dễ dàng gì, chưa dám mơ ô tô. Ô tô chỉ tập trung tại những đô thị của tỉnh.

Còn với các tỉnh ĐBSCL, vốn đã nằm trong khu vực có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô thấp nhất cả nước. Theo kết quả Tổng điều tra dân số nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê, tính trung bình cả nước có 5,7% tổng số hộ gia đình có xe ô tô, trong đó thấp nhất là ĐBSCL với 2,5%.

Đại diện của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, những địa phương trên có doanh số bán hàng năm thấp, do nhu cầu thấp và quy mô thị trường nhỏ. Số khách hàng mua ô tô con tất các loại của cả tỉnh một năm, chỉ tương đương với doanh số bán xe của 1 đại lý tại thành phố lớn.

Một số đại lý bán ô tô ở khu vực miền núi phía Bắc thừa nhận, doanh số bán không như mong đợi và phải giảm giá, khuyến mãi nhiều hơn để kích cầu, thậm chí có thời kỳ phải mang xe về miền xuôi bán.

Quá xa tầm với

Anh Lê Văn Toàn, một lương y ở TP. Hà Giang, đang sử dụng chiếc xe bán tải (pick up) nhận xét nó rất phù hợp với địa hình đồi núi đèo dốc. Nhờ chiếc xe này mà ngày ngày, anh có thể lên rừng tìm cây thuốc, chất đầy thùng xe rồi chở về. Nó thực sự rất hữu ích trong công việc. Anh Toàn kể đã từng sang miền Bắc Thái Lan, ở đó nhiều đồi núi giống Việt Nam, nhà dân nào cũng có ô tô, chủ yếu là xe bán tải. Nông dân đi làm đồng cũng dùng xe pick up, chở dụng cụ và nông sản ra chợ bán.

Theo anh Toàn, với khu vực miền núi phía Bắc, xe bán tải rất phù hợp, kinh tế đang phát triển, nếu gia đình nào có xe sẽ giúp tăng năng suất và thu nhập. Tuy nhiên, giá xe tại Việt Nam quá cao, một chiếc bán tải 2 cầu hiện nay mua và đăng ký thấp nhất cũng tốn khoảng 700 triệu đồng, nó quá xa tầm với so với thu nhập của đa số người dân nơi đây.

{keywords}
Không có nổi 1.000 người mua ô tô, nhiều tỉnh ngậm ngùi chênh lệch quá.

Theo thống kê, mặt hàng chịu gánh nặng thuế, phí nhất hiện nay chính là ô tô cá nhân từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Ô tô cá nhân đang phải chịu 3 loại thuế chính gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Đây đều là thuế gián thu, người mua xe phải trả. Hơn nữa, ba loại thuế này còn bị đánh chồng lên nhau, nên thường chiếm từ 30- 60% trong giá bán, tùy từng mẫu xe.

Ngoài ra, người mua xe còn phải chịu thêm lệ phí trước bạ từ 10-12%, tính trên giá bán tùy từng địa phương, chưa kể những phí khác.

Tính ra, giá ô tô Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nước như Thái Lan, Indonesia và con số này còn lớn hơn nữa nếu so với các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản... Với những tỉnh trên, người dân phải nhịn ăn tiêu tới cả chục năm mới mua được chiếc xe pick up có giá bán 700 triệu đồng. Trong khi đó, những “cơn sốt” đất hình như chưa kéo qua đây.

Các nhận định cho thấy, Việt Nam đang bước vào giai đoạn ô tô hóa với GDP bình quân đã đạt ngưỡng trên 3.000 USD/người/năm. Dự báo vào năm 2025, quy mô thị trường sẽ đạt từ 800.000-900.000 xe/năm và từ 1,2-1,5 triệu xe vào năm 2030, vượt qua Malaysia, thậm chí cả Thái Lan, để vươn lên giữ vị trí thứ hai trong khu vực.

Với mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao từ nay đến 2030, ô tô sẽ là phương tiện di chuyển phổ biến. Tuy nhiên, có lẽ phổ cập ô tô với những địa phương trên là quá xa vời, bởi khoảng cách so với các địa phương khác khá lớn.

Chuyên gia Nguyễn Minh Đồng cho rằng, các địa phương này cần đẩy nhanh phát triển kinh tế, giúp tăng thu nhập cho người dân. Cùng với đó là giảm giá ô tô xuống, hoặc phải có trợ giá từ Nhà nước nếu muốn nhanh chóng thu hẹp khoảng cách trên.

Trần Thủy

Dân tỉnh nghèo mua ô tô nhiều: Người ta đi xe sang, mình cũng sắm một chiếc

Dân tỉnh nghèo mua ô tô nhiều: Người ta đi xe sang, mình cũng sắm một chiếc

Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa lọt top 10 địa phương mua nhiều ô tô con nhất 2021. Tuy nhiên, đây là 3 địa phương nằm trong danh sách 10 tỉnh có nhiều hộ nghèo nhất nước.