Đầu tháng 8, gia đình anh Nguyễn Ngọc Tâm có bà nội, ba, anh và con gái 5 tuổi của anh có kết quả dương tính với nCoV. Lúc đó, cả gia đình anh rất hoang mang. Nỗi lo càng lớn hơn khi bà nội anh là người bị bệnh đầu tiên, được đưa đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi điều trị. Chỉ sau vài ngày, bà chuyển nặng nhanh rồi qua đời.

“Lúc ấy, tôi và con gái bắt đầu có triệu chứng ho, sốt, ớn lạnh, mất vị giác… Sau đó, đến lượt ba tôi. Con gái tôi chỉ mới 5 tuổi. Ba tôi đã lớn tuổi, lại có bệnh nền: tăng huyết áo, tiểu đường, gan nhiễm mỡ”, anh Tâm chia sẻ.

{keywords}
F0 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12. Ảnh: BSCC.

Sợ ba sẽ chuyển nặng, anh Tâm quyết định xin vào điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12. Ở đây, ba người trong gia đình anh được cách ly chung một phòng. Với sự chăm sóc chu đáo của các bác sĩ và điều dưỡng, anh và con gái nhanh chóng hồi phục và xuất viện ngày 19/8.

Lúc đó, ba anh vẫn bị sốt, đến ngày thứ 7, chỉ số đo SpO2 của ông giảm dần, khoảng 85-89 kèm mệt và khó thở. 12h đêm, các bác sĩ phải chuyển ông xuống phòng cấp cứu.

Bác sĩ Trần Ngọc Hoàng Dung, Đội trưởng đội cấp cứu, đã nhanh chóng xử trí, tiêm thuốc, cho bệnh nhân thở oxy. Nhờ vậy, các triệu chứng của ba anh Tâm giảm bớt trong đêm.

“Những ngày sau, dù không phải ca trực, bác sĩ Dung vẫn theo dõi sát tình hình sức khỏe của ba tôi. Nhờ vậy, ông dần ổn định. Ngày 27/8, ba tôi được xuất viện về nhà”, anh Tâm kể.

Ngày 2/9, trong niềm vui được đoàn tụ gia đình, anh đã viết lá thư tay gửi đến Bệnh viện dã chiến số 12 cảm ơn các y bác sĩ ở bệnh viện. Trong thư anh viết: “Có nằm viện chúng tôi mới thấy hết sự vất vả và tấm lòng của các y bác sĩ. Tôi rất cảm kích và thay mặt gia đình kính chúc tất cả y bác sĩ có thật nhiều sức khoẻ để giúp được nhiều bệnh nhân khác vượt qua đại dịch này”.

{keywords}
Một F0 trẻ em được y bác sĩ tại bệnh viện tặng quà nhân dịp Trung thu. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Phạm Đặng Trọng Tường, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12, cho biết bệnh viện có quy mô điều trị cho hơn 1.200 bệnh nhân mắc Covid-19. Trước đây, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 người từ các nơi chuyển đến.

Từ khi TP áp dụng điều trị F0 tại nhà, số lượng bệnh nhân chuyển đến bệnh viện giảm, nhưng tỷ lệ người mắc diễn biến nặng vẫn khá cao. Trong số đó có khoảng 100 ca diễn biến nặng, phải thường xuyên can thiệp vật lý hỗ trợ hô hấp và thực hiện oxy mask. Bệnh viện cũng phân theo mô hình 3 tầng để có thể điều trị được F0 nhẹ, nặng cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Bác sĩ Tường cho biết, hơn một tháng qua, mỗi ngày bệnh viện có khoảng 200 người khỏi bệnh, gần tương đương với số lượng ca mắc mới nhập viện.

Tú Anh

TP.HCM yêu cầu khẩn về chăm sóc F0 tại nhà

TP.HCM yêu cầu khẩn về chăm sóc F0 tại nhà

Khi nhận được tin báo có người F0 mới, các địa phương cần phải lập danh sách, cấp thuốc ngay và gọi điện để thăm hỏi tình hình sức khỏe của họ.