Khá ngẫu nhiên, hàng loạt “ông lớn” nhà nước đồng loạt “trình bày” những khó khăn thậm chí sai phạm. Và càng trùng hợp hơn nó diễn ra trước kỳ họp Quốc hội khiến cho vẫn đề chưa bao giỡ cũ lại trở nên nóng.
Lỗ, nợ rồi xin xỏ: Thói quen khó bỏ
Một trường hợp điển hình hay kêu ca khó khăn là Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
Thông tin gần đây cho thấy, Vinacomin vẫn đang đối mặt với nguy cơ lợi nhuận tụt giảm, cho dù hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản thuận lợi hơn rất nhiều ngành nghề khác.
Riêng năm 2012, lợi nhuận của tập đoàn này giảm tới 60% do chi phí tăng cao. Lãi giảm mạnh trong khi nợ phải trả của tập đoàn này ngày càng lớn, tới gần 82 nghìn tỷ đồng (ở thời điểm cuối 2012), riêng nợ ngắn hạn đã ngang bằng với vốn chủ sở hữu, ở mức trên 30 nghìn tỷ.
Nợ và tỷ lệ nợ lớn như vậy nhưng Vinacomin vẫn liên tục triển khai các kế hoạch vay thêm vốn thông qua những vụ phát hành trái phiếu khủng. Bên cạnh việc tìm cách có thêm tiền, tập đoàn cũng cấp tập lên tiếng xin giảm mức thuế xuất khẩu than để tránh nguy cơ thua lỗ.
Điều đáng buồn là dù “nợ như chúa chổm”, Vinacomin dường như vẫn thuộc tốp những DNNN có “uy tín” nhất và là một trong số ít các đơn vị phát hành thành công trái phiếu có quy mô trên 1.000 tỷ đồng tính từ đầu năm đến nay.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa được công bố mới đây cho thấy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm ăn thua lỗ và mắc không ít sai phạm trong các hoạt động của mình trong nhiều năm qua.
Báo cáo cho biết, tính đến hết 2011, EVN đầu tư ra ngoài cả trăm ngàn tỷ đồng. Không thu được đồng lãi nào, EVN còn lỗ vài ngàn tỷ. Chính vì thế, mỗi khi tập đoàn này quyết định tăng giá điện, đánh trực tiếp vào túi tiền của người dân để bù đắp thua lỗ đã làm dấy làn sóng bức xúc trong dư luận.
Không giữ vị trí quán quân về nợ nhưng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lại được xếp trong tốp đầu về kinh doanh thua lỗ, mà theo giải thích của lãnh đạo tập đoàn, là do phải thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá theo chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, ngay cả nhiệm vụ này xem ra Petrolimex cũng chưa hoàn thành bởi mỗi lần kêu lỗ, họ lại xin và tăng giá ngay, trong khi nếu giá thế giới giảm thì việc giảm giá trong nước lại khá chậm chạm và nhỏ giọt.
Một điều cũng khiến dư luận quan tâm là, Petrolimex luôn kêu lỗ để tăng giá nhưng gần đây khi gửi báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (để IPO) tập đoàn này lại báo lãi và lãi chủ yếu từ kinh doanh xăng dầu. Những tuyên bố và báo cáo vênh nhau khiến người tiêu dùng nghi ngờ có sự nhập nhèm, tiền hậu bất nhất trong câu chuyện này.
Hiện tượng hàng loạt sai phạm, thua lỗ, khó khăn, của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bị phanh phui gần đây có lẽ không mới nhưng nó luôn luôn nóng. Đặc biệt hơn, trong lúc khó khăn của cả nền kinh tế thì khu vực kinh tế được xem là chủ đạo này lại cho thấy nhiều bệnh tật và bằng cách này hay cách khác các cơ quan quản lý phải tìm mọi cách để hỗ trợ.
Vinashin, Vinalines và những đại án tham nhũng
Cùng khoảng thời gian này, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kết thúc điều tra vụ án tham ô tài sản tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Theo kết luận ban đầu, cựu lãnh đạo Vinalines, chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng đã cố ý làm trái gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Vị lãnh đạo này đã dùng cả triệu đô để mua nhà cho bồ nhí.
Chỉ riêng phi vụ này, lãnh đạo Vinalines đã bỏ túi cả triệu USD, lại quả cho đối tác cũng hàng triệu đô và tất nhiên tính chung lại nhà nước đã thiệt hai cả trăm tỷ đồng.
Trước đó, thông tin Tập đoàn Công nghiệp Vinashin phát hành trái phiếu quốc tế đảo nợ khoản vay 600 triệu đô la Mỹ.
Thông tin cho thấy, đây là bước đi cuối cùng sau chuỗi những ngày đàm phán đảo nợ cho khoản 600 triệu đôla đã vay từ năm 2007 đến nay của Vinashin song tập đoàn này không có khả năng chi trả. Với sự bảo lãnh của Chính phủ, các chủ nợ quốc tế đã thống nhất kéo dài thời gian trả nợ đến năm 2025, nhưng liệu tập đoàn này có trả được không vẫn là câu hỏi chưa thể trả lời.
Với những bước chuyển mình khá chậm chạp sau gần 3 năm tái cơ cấu, nhiều khả năng Vinashin sẽ tiếp tục rút gọn hoạt động, sa thải nhân viên, đóng cửa DN “con cháu”, thậm chí có thể từ mô hình tập đoàn trở về hoạt động theo mô hình tổng công ty như trước đây.
Trong khi đó, hàng chục ngàn tỷ đồng khoản vay của tập đoàn này ở các ngân hàng trong nước cũng được tuyên bố đã được xử lý. Theo cách là phần lớn, đến 70% được giảm, còn lại được tái cơ cấu khoanh, giãn thời gian trả.
Tuần qua, dư luận lại thêm chấn động trước những chuyện không mới khi hai trong 10 đại án tham nhũng đã hoàn tất những bước cuối cùng đưa ra xét xử. Trong đó đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các ngân hàng quốc doanh. Vụ Huyền Như và đồng bọn lừa đảo 4.000 tỷ đồng liên quan đến Vietinbank và hàng loạt ngân hàng ổ phần khác. Còn sại phạm ở ALC II gây thiệt hại 500 tỷ đồng là nỗi đau liên quan trực tiếp đến Agrribank.
Huấn Tú