Một năm trở lại đây, mô hình cà phê cà phê mang về (Take away) nở rộ khắp TP.HCM. Liệu mô hình này sẽ bền vững hay cũng chỉ là một trào lưu kinh doanh và sẽ sớm “chết yểu” như xu hướng “trà chanh chém gió” năm trước?
Nhắc đến cà phê mang về, người ta thường nghĩ đến những thương hiệu kinh doanh nhượng quyền quen thuộc như Passio, Milano, Effoc Coffee… Thông thường, chủ sở hữu thương hiệu sẽ thiết kế, xây dựng quán, trang bị ly tách, quầy kệ, máy xay cà phê, bàn ghế…(chi phí chủ quán chịu). Người bán được chủ thương hiệu chuyển giao công thức pha chế và cung cấp 100% cà phê nguyên liệu cho quán. Sau khi trừ các chi phí mặt bằng, thuê nhân viên…, lợi nhuận thu được, chủ quán không phải chia lại cho chủ thương hiệu.
Khi đã nhận bán cà phê của thương hiệu nào, người bán sẽ không được bán kèm các sản phẩm hay các loại nước uống của những thương hiệu khác. Giá các loại cà phê mang về khá “mềm”, dao động từ 12.000 - 20.000đồng/ly. Khách hàng có nhu cầu mua về pha thì có cà phê bán ký, giá dao động từ 70.000 - 150.000đồng/ký. Do giá rẻ nên đối tượng khách hàng cũng khá đa dạng.
Mặt bằng nhỏ, chi phí thấp, nhiều quán cà phê mang về đua nhau mọc lên. |
Do thời gian gần đây, các quán cà phê mang về mọc lên như nấm sau mưa nên không tránh khỏi cảnh một số quán rơi vào ế ẩm. Anh Nguyễn Thành Đạt, quản lý quán cà phê Milano tại số 214A Hòa Bình, quận 11, TP.HCM cho biết: “Trào lưu kinh doanh trà chanh, chè khúc bạch của một số bạn trẻ từng nở rộ trong thời gian ngắn, sau đó lụi dần có nguyên nhân bắt nguồn từ chất lượng sản phẩm. Hiện tại, nhiều loại cà phê rang xay pha trộn từ bắp, đậu nành khiến người tiêu dùng lo ngại. Tôi nghĩ, người kinh doanh mô hình cà phê mang về phải chú ý đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và cung cách phục vụ. Nếu sản phẩm mình bán ra 'ổn', sẽ không lo người mua quay lưng. Vì nhu cầu uống cà phê mỗi ngày là thói quen của rất nhiều người thành thị”. Dù thời gian đầu khách tìm đến cửa hàng của anh Đạt chưa nhiều, nhưng anh vẫn hy vọng quán sẽ dần đông khách.
Một góc quán cà phê mang về nhỏ xinh. |
Không chỉ có những thương hiệu nhượng quyền, nhiều nhãn hiệu cà phê mang về mới toanh cũng rầm rộ xuất hiện. Chỉ một quãng đường Lãnh Binh Thăng (quận 11) chưa đầy vài trăm mét đã có bốn quán cà phê take away mang tên khác nhau như cà phê Koc, 25 Coffee, Like Coffee… Hầu hết các quán này đều có chung đặc điểm mặt bằng nhỏ hẹp, chỉ khoảng 4-5 bộ bàn ghế. Ngoài quán thường đặt bảng hiệu “cà phê mang về”, “rang xay tại chỗ”.
Chị Võ Thị Trúc Linh, chủ quán 25 Coffee (số 284, Lãnh Binh Thăng, quận 11), cho biết: “25 coffee là sản phẩm của Việt Nam. Mình tự thiết kế quán, mua bàn ghế, ly tách…”. Trước khi mở quán, Linh phải đi học một khóa pha chế cà phê. Giá mỗi ly cà phê của quán 25 Coffee từ 12.000 - 15.000 đồng, tương đương với giá cà phê cóc vỉa hè. Nhằm thu hút khách mua, Linh còn trang bị “Wifi miễn phí” cho những khách có nhu cầu ngồi lại. Tuy nhiên cô lo lắng: “Gần đây có đến ba quán cà phê mang về như vậy, nên tôi bán khá chậm. Chưa kể phải cạnh tranh với cả những quán cà phê cóc”.
Dù xu thế cà phê mang về có xuất xứ từ nước ngoài, với việc pha chế chủ yếu bằng máy, nhưng khi đến Việt Nam đã được “chỉnh sửa" với không ít “dị bản” khác nhau. Nhiều quán cà phê vỉa hè tranh thủ nâng cấp để “ăn theo” độ nóng của mô hình kinh doanh “cà phê mang về”.
Nhiều quán cà phê mang về từ cà phê cóc vỉa hè “nâng cấp” lên. |
Anh Lê Hùng Tráng (đường Hòa Bình, quận 11, TP.HCM) tận dụng khoảng diện tích nhỏ hẹp trước cửa nhà để giăng bảng bán cà phê mang về. Anh Tráng cho biết: “Tôi định mở cà phê cóc, nhưng nghe nói giờ người ta chuộng loại cà phê nguyên chất mang về nên tôi cũng mua cà phê chất lượng về bán”. Không lấy cà phê của thương hiệu nào, anh Tráng phải tự trang bị tủ, mái che, ly tách, bàn ghế. Do không có máy xay, anh Tráng mua cà phê xay sẵn và pha chế thủ công. Anh Tráng nói: “Nhiều nơi thấy họ để tủ ngoài vỉa hè, thuê cả nhân viên về bán rồi đặt tên là lạ thôi chứ so với cà phê cóc cũng không khác biệt”.
Theo Phụ Nữ Online