Sao, diva cũng quên lời, "sửa ca khúc"
Ca sĩ hát quên lời, sai lời không phải là chuyện "xưa nay hiếm" ở làng showbiz Việt. Trường hợp Dương Quốc Hưng ở chương trình Điểm hẹn âm nhạc được truyền hình trực tiếp một dạo là ví dụ điển hình cho "thảm họa" quên lời, hồn nhiên bịa ca từ trong bài "Người yêu nhé" của Nguyễn Ngọc Thiện gây thất vọng lớn cho nhiều khán giả.
Hay như ca sĩ Quốc Thiên, quán quân của Việt Nam Idol 2009 từng hát sai lời ca khúc Son (Đức Nghĩa) trong đêm nhạc dân gian. Thay vì hát: "Xoay vần còn quay quay", anh lại hát thành "Quay vần còn quay quay". Khi được phát giác, anh chàng cũng phải thú nhận: "Lời hát của tôi lủng củng mà đúng là tôi quên thật".
Mỹ Linh và Uyên Linh - Hai giọng ca từng hát sai lời các bài hát.
Uyên Linh cũng khiến nhiều khán giả cau mày vì đêm nhạc "Hát cho hành tinh xanh" diễn ra ở TP.Nha Trang khi trình bày ca khúc nổi tiếng "Nối vòng tay lớn" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không hiểu vì lý do gì mà Uyên Linh liên tục hát nhầm lời, sai lời và phải "cầu cứu" người bạn diễn cùng - ca sĩ Anh Khoa.
Đặc biệt, diva Mỹ Linh đã gặp phải vô vàn sự cố quên lời. Trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 23 hồi đầu tháng 1/2011, khi trình bày ca khúc "Dư âm" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Mỹ Linh đã sửa câu: "Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên đàn" thành "muôn kiếp bên nàng"; đêm nhạc Thanh Tùng ở Hà Nội giữa tháng 3, Mỹ Linh cũng gây thất vọng vì quên lời và cách đây ít ngày là tại Lễ bế mạc Liên hoan Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng.
Phải nói rằng, lười học vũ đạo, lười bổ trợ những kiến thức văn hóa xã hội cho đến lười nghe nhạc, lười học lời đang là căn bệnh phổ biến ở một bộ phận ca sĩ Việt hiện nay. Nếu quy chụp bệnh lười tập luyện, học lời ca khúc cho tất cả những ca sĩ từng quên lời thì hơi quá nhưng ít nhiều... những "tai nạn" của họ không phải từ trên trời rơi xuống.
Ca sĩ Thanh Lam - Đức Tuấn từng thật sự phải cầm giấy hát ở chương trình "Bóng núi" hay như ca sĩ Hoàng Hải từng cầm giấy lên sân khấu ở sân chơi Bài hát Việt. Nhưng theo ý kiến của nhiều khán giả ở các diễn đàn yêu nhạc thì thà như thế còn hơn là "tát" vào mặt họ bằng cách nhồi nhét những câu chữ đôi khi rất... nhảm nhí vào bài hát.
Cần những chuyên gia "hát nhắc"
Nhạc sĩ trẻ Dương Cầm bày tỏ khi nghe ca sĩ hát sai lời, dù bài của mình hay của người khác đều không vui. Anh cho rằng đã là ca sĩ thì phải hát cho đúng bởi nếu họ hát không đúng thì làm sao mong có những "khám phá" trong các ca khúc. Chàng nhạc sĩ trẻ này thẳng thắn: "Với những chương trình bán vé khán giả bỏ tiền ra để thưởng thức nghệ thuật thì những lỗi như hát sai lời, chế lời của ca sĩ là điều khó chấp nhận".
Một nhạc sĩ ở TP.HCM xin được giấu tên bức xúc: "Đáng buồn là các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn đang chiếm kỷ lục bị các ca sĩ hát sai lời nhiều nhất. Có ca sĩ quên lời, chế lời nhiều lần và báo chí phê phán góp ý thẳng thắn trực diện nhưng vẫn cố tình tái diễn. Tôi cho rằng, đây là vấn đề văn hóa ứng xử chứ không đơn giản là việc thuộc hay không thuộc nữa rồi".
Ảnh minh họa - Tác giả : DAD
Cũng theo lời vị nhạc sĩ này, lời bài hát là một phần quan trọng trong ca khúc, nó không chỉ góp phần thành công cho giai điệu mà bên cạnh đó phần lời còn thể hiện cá tính của mỗi tác giả viết ra, dù đó có là phổ thơ. Theo anh, người ca sĩ hát chuẩn lời cũng là cách tôn trọng người nhạc sĩ và tôn trọng khán giả.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo nhìn sự việc hát quên, sai lời của ca sĩ "độ lượng" hơn: "Tôi thông cảm với ca sĩ vì họ có cái khó của họ. Nếu trong thời gian quá gấp gáp mà phải thuộc lời một bài hát dài, có lời lẽ khó để hát truyền cảm là không dễ chút nào..."
Nhạc sĩ S ở Hà Nội cho rằng ca khúc quan trọng với con đường tiến thân của người ca sĩ. Vì vậy "học thuộc lòng" ca khúc cũng là... môn vỡ lòng không thể thiếu. "Trên các sân khấu kịch, đã và đang tồn tại những "chuyên gia" đứng sẵn trong cánh gà để làm nhiệm vụ... nhắc bài cho nghệ sĩ. Có khi trên sân khấu nhạc nhẹ cũng nên xuất hiện những "chuyên gia" hát nhắc?..." - nhạc sĩ P tếu táo.
Sơn Hà